Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (trung tâm), trí tuệ nhân tạo (AI) có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) cũng không phải ngoại lệ.
Từ những kết quả đã đạt được, TP.HCM sẽ tiếp tục ứng dụng AI cho ngành GTVT để tối ưu hóa chu kỳ đèn, giải quyết ùn ứ cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm TP.HCM...
Phát hiện tình trạng ùn ứ, sự cố giao thông
Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, cho biết với khả năng xử lý và phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp cải thiện hiệu quả quản lý giao thông mà còn nâng cao mức độ an toàn, tối ưu hóa trải nghiệm của người tham gia giao thông.
Hiện nay, trung tâm đang từng bước ứng dụng AI trong công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị như ứng dụng kỹ thuật học máy trong việc thu thập dữ liệu. Hiện cổng thông tin giao thông TP đang sử dụng thuật toán để theo dõi các điểm thường xuyên xảy ra tình trạng đông xe, ùn ứ trên địa bàn TP.
Thông qua việc phát triển thuật toán, hệ thống kịp thời phát hiện và cảnh báo đến người quản lý vận hành tình trạng giao thông trên địa bàn TP, hỗ trợ người vận hành trong công tác biên tập và quản lý đăng tin cảnh báo trên các bảng thông tin giao thông điện tử.
Bên cạnh đó, TP còn có hệ thống tự động phát hiện sự cố, hỗ trợ người vận hành trong công tác giám sát giao thông, giảm thiểu thời gian phát hiện sự cố (xe dừng, người đi bộ…), kịp thời xử lý các tình huống tai nạn xảy ra bên trong đường hầm sông Sài Gòn.
TP.HCM cũng bắt đầu ứng dụng AI học sâu “deep learning” trong ngành GTVT. Cụ thể là phân tích dữ liệu thời gian thực - AI sử dụng dữ liệu từ các cảm biến để theo dõi lưu lượng giao thông theo thời gian thực. Các hệ thống này có khả năng nhận diện mật độ phương tiện, tốc độ di chuyển, và các yếu tố khác ảnh hưởng đến dòng giao thông.
Trí tuệ nhân tạo sẽ sử dụng dữ liệu từ các cảm biến để theo dõi lưu lượng giao thông theo thời gian thực, bao gồm mật độ phương tiện, tốc độ... Ảnh: Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cung cấp
Ngoài ra, đối với camera giám sát giao thông, hệ thống AI có thể tự động phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tự động lưu trữ dữ liệu video vi phạm, trích xuất dữ liệu dùng chung và đưa ra các thông báo cảnh báo phương tiện vi phạm.
Tất cả những dữ liệu thu thập được từ các cảm biến được lưu trữ trong một “Data Lake” (hồ dữ liệu). Sau đó sử dụng dữ liệu đã được sàng lọc và chuẩn hóa, AI có thể xây dựng một bản sao số “Digital twins” với những yếu tố đầu vào có thể thay đổi được nhằm đánh giá tác động ngược trở lại vào mô hình và thực trạng.
TP.HCM cũng ứng dụng kết quả nghiên cứu của các mô hình“hybrid model-based” kết hợp với AI để cải thiện hoạt động giao thông trên các tuyến đường trục như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng…
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể để cải thiện hoạt động giao thông trên các tuyến đường trục như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng. Ảnh: Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cung cấp
Trí tuệ nhân tạo kết hợp dữ liệu lịch sử về lưu lượng giao thông với dữ liệu thời gian thực để dự đoán các điểm có nguy cơ ùn tắc, phân tích xu hướng giao thông để xác định các yếu tố có thể dẫn đến ùn tắc. Trên cơ sở đó, AI có thể dự báo trong thời gian gần để tối ưu hóa thời gian hoạt động của đèn tín hiệu giao thông theo tình hình giao thông thực tế.
Để đạt được những kết quả phân tích, dự báo trong tương lai gần, Trung tâm thực hiện đầu tư hệ thống máy chủ AI, với khả năng tính toán lên đến 100 ngàn tỉ phép tính trong một giây.
Mở rộng mô hình ra khu vực sân bay Tân Sơn Nhất...
Với tầm quan trọng trên, ông Tấn cho biết trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng việc tối ưu hóa chu kỳ đèn tín hiệu, quản lý lưu lượng theo mạng lưới trên một số khu vực trọng điểm ở TP.HCM như sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm TP, mở rộng trong lĩnh vực giao thông công cộng.
Đồng thời, trung tâm cũng tối ưu hóa lộ trình, trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu hành khách để tối ưu hóa lộ trình và lịch trình của xe buýt, tàu điện ngầm, giúp giảm thời gian chờ đợi và tăng cường hiệu quả vận hành.
TP.HCM sẽ tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho ngành GTVT ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm TP. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Thời gian tới cũng tính toán phân tích dữ liệu hành khách. Cụ thể là sử dụng dữ liệu từ thẻ thông minh và ứng dụng di động để hiểu nhu cầu di chuyển của hành khách. Từ đó, sử dụng AI để dự đoán nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng, điều chỉnh số lượng phương tiện phù hợp, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hành khách.
Cũng từ trí tuệ nhân tạo, TP có thể thiết kế thời gian biểu, lịch trình, vận hành, quản lý hệ thống vận tải hành khách, hàng hóa... trên nền bản đồ số. Từ đó, thiết kế hệ thống hướng dẫn lộ trình đa phương thức (xe buýt, MRT, BRT, tàu hỏa, máy bay…) với các thông tin chi tiết và có độ chính xác cao.
"Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích cho giao thông, việc triển khai cũng đối mặt với một số thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao, yêu cầu về hạ tầng công nghệ và vấn đề bảo mật dữ liệu. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, AI hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện và cách mạng hóa lĩnh vực giao thông trong tương lai..." - ông Tấn nhấn mạnh.
Sở GTVT TP.HCM đang quản lý 1.070 chốt đèn tín hiệu giao thông gồm 794 chốt đèn hoạt động chế độ xanh - vàng - đỏ, 256 chốt đèn hoạt động chế độ chớp vàng (bao gồm đèn năng lượng mặt trời).
Trong đó, 843 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động độc lập, 227 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động kết nối điều khiển tại trung tâm điều khiển.
ĐÀO TRANG