TP.HCM sẽ học gì từ Trung Quốc về quản lý đầu tư metro?

TP.HCM sẽ học gì từ Trung Quốc về quản lý đầu tư metro?
2 giờ trướcBài gốc
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM kết quả chuyến công tác của đơn vị tại Trung Quốc để trao đổi, học tập kinh nghiệm đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành đường sắt đô thị ở Quảng Châu.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, công ty vận hành metro số 1 và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mô hình Tổng công ty đường sắt đô thị do thành phố nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Người dân TP.HCM háo hức trải nghiệm tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo đó, Tổng công ty có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng, phát triển và vận hành dự án đường sắt đô thị. Ngoài ra, kinh doanh đa ngành trên cơ sở khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của Tổng công ty để đảm bảo tự chủ ngân sách, duy trì dịch vụ vận chuyển hành khách chất lượng cao.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, mô hình hoạt động tích hợp của Tập đoàn Quảng Châu Metro đang được nhiều công ty ở thành phố khác học tập.
Ưu điểm là có thể làm chủ được toàn bộ vòng đời của dự án từ khi lập quy hoạch, đầu tư xây dựng đến kinh doanh và bảo trì.
Thành quả của việc áp dụng mô hình quản trị đúng đắn, định hướng hoạt động hợp lý là lợi nhuận của Tập đoàn Quảng Châu Metro tăng trưởng đều qua các năm, tỷ lệ nợ được kiểm soát một cách hiệu quả.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) và các cơ quan liên quan nghiên cứu đa dạng nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống metro, đa dạng hóa nguồn thu từ quá trình vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Đồng thời, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì rà soát, xây dựng kế hoạch tổng thể về khai thác các quỹ đất xung quanh nhà ga và dọc các tuyến metro, vành đai, vùng phụ cận trên địa bàn để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).
Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220km.
TP.HCM mới triển khai hai tuyến, gồm: metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20km và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11km.
Trong đó, metro số 1 sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, dự kiến cuối năm khai thác thương mại. Tuyến số 2 cũng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến đến năm 2030 mới hoàn thành.
Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang hoàn thiện hồ sơ đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, đề xuất phát triển 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm, 1 nhánh đường sắt ngoại ô (kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 2 về phía khu đô thị Tây Bắc Củ Chi), 2 tuyến đường sắt đô thị vành đai và 1 tuyến dọc đại lộ Đông Tây và sông Sài Gòn.
Tổng cộng chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM dự kiến nâng lên khoảng 558,7km.
Nguyên Hằng
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/tphcm-se-hoc-gi-tu-trung-quoc-ve-quan-ly-dau-tu-metro-19224101709062477.htm