Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi liên quan đến Đề án Quản lý, Hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP.HCM. Theo đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh dự thảo quy định của UBND TP.HCM về quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê để ở tại TP.HCM và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP.HCM về ban hành chính sách hỗ trợ liên quan hoạt động nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê để ở. Thời hạn thực hiện phải xong trước ngày 15.11.2024.
Cảnh sống của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh tư liệu. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn
Hiện trạng 60.500 nhà trọ tại TP.HCM
Tờ trình của Sở Xây dựng gửi UBND TP.HCM cho biết nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân cho thuê trọ đang là nguồn cung chính, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp hiện nay trước bối cảnh nhu cầu thuê trọ để sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM rất lớn. Loại hình này xuất phát từ thực tế đã giải quyết một số lượng lớn nhu cầu cần thiết, chính đáng để ở của người dân, trong khi nguồn lực Nhà nước tập trung đầu tư, xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho thuê hiện không và chưa thể đáp ứng. Đồng thời, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ vốn ngoài ngân sách còn nhiêu khê, chưa thu hút nhà đầu tư.
Kết quả kiểm tra ghi nhận có khoảng 60.500 nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố hầu như đều được người dân xây dựng, có tình trạng sai phép (đối với dãy phòng cho thuê độc lập) hoặc tự ý chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê trọ (tự ngăn chia từng phòng, tăng quy mô số lượng người lưu trú lên nhiều lần nhưng chưa được cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn phòng cháy chữa cháy xét duyệt).
Nhiều người lao động ở hẻm 184 Lê Đình Cẩn (quận Bình Tân) đang sống trong những căn nhà nhỏ 3-4m2 để tiết kiệm tiền sinh hoạt. Ảnh: Thanh Tùng
Bên cạnh đó, thực tế báo động hiện nay là sự an toàn của người dân sinh sống trong khu trọ không đảm bảo cả về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn nước sinh hoạt, điều kiện kinh doanh phòng trọ và kinh doanh các lĩnh vực khác... Trong số các nhà trọ đã kiểm tra, có khoảng 12.800 nhà trọ (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động, trong đó khoảng 4.600 nhà trọ chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 nhà trọ chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy, cần phải thực hiện chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định tối thiểu và an toàn về phòng cháy chữa cháy để hoạt động kinh doanh cho thuê trọ.
Đề xuất quy định tối thiểu với nhà trọ riêng lẻ
Theo Sở Xây dựng, Đề án Quản lý, Hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP.HCM nhằm đưa ra giải pháp quản lý và hỗ trợ cho 60.500 nhà trọ tư nhân (hơn 560.000 phòng với gần 1,5 triệu người đang thuê ở). Đối với các chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ hiện hữu nếu có nhu cầu cho thuê trọ cũng phải thỏa điều kiện quy định tối thiểu của Đề án.
Sở Xây dựng đề xuất bộ tiêu chí an toàn về mặt kỹ thuật xây dựng với một số quy định tối thiểu: hẻm xây nhà trọ phải có chiều rộng tối thiểu 3-4m và cách mặt đường chính không quá 100m; mọi phòng ở trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn; diện tích tối thiểu m2 sàn/người tạm thời đề xuất là 5m2/người. “Theo các tài liệu hiện có thì Hướng dẫn 3979 ngày 17.4.2020 của Sở Xây dựng là 5m2/người, Luật Cư trú năm 2020 là 8m2/người. Do đó, cần xác định tiêu chí diện tích tối thiểu m2 sàn/người để có giới hạn số lượng người/phòng, giới hạn số lượng phòng trong mỗi nhà trọ. Từ đó đảm bảo số lượng người tập trung không quá lớn, giảm thiểu nguy cơ gây hỏa hoạn, tai nạn, ảnh hưởng tài sản, tính mạng con người khi xảy ra sự cố”, Sở Xây dựng diễn giải.
Cùng với quy định tối thiểu, Sở Xây dựng đề xuất tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép xây dựng, hoàn công đưa vào sử dụng và sau cấp đăng ký kinh doanh. Nếu phát hiện những nhà trọ không đạt quy định tối thiểu thì bắt buộc phải sửa chữa, khắc phục. Quận, huyện nào còn tồn tại loại hình nhà trọ không đạt quy định tối thiểu, dù chưa xảy ra sự cố cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ tịch quận, huyện đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP.HCM...
Chính sách an sinh xã hội cho nhóm lao động di cư cần được đưa vào kế hoạch dài hạn, căn cơ, được thảo luận kỹ càng và trở thành một phần của chiến lược phát triển quốc gia và đô thị. Tránh tình trạng đối phó và giải quyết tùy hứng, vụn vặt, chỉ làm khi có vấn đề xảy ra như hiện nay.
Ông Trần Hoài Nam (Dịch vụ môi giới cho thuê nhà, căn hộ RealViet) cho biết mục đích của các đề xuất nói trên là tốt đẹp và cần thiết, bởi nhà trọ dù mang tính định cư tạm thời nhưng nhiều nơi đã hình thành những cộng đồng xóm trọ, khu trọ rất đông người. Các sự cố hỏa hoạn chết người vừa qua tại Hà Nội phần lớn cũng do nhà trọ, nhà cho thuê không đảm bảo an toàn cháy nổ. Tuy nhiên, nhìn ở chiều ngược lại, ông Nam cho rằng nếu các đề xuất của Sở Xây dựng được thực hiện thì rất nhiều gia đình công nhân, người tạm cư có thu nhập thấp sẽ đối diện với khó khăn vì giá tiền thuê chắc chắn tăng.
“Tôi đã gặp những gia đình công nhân 4-5 người chỉ có khả năng thuê phòng trọ hơn chục mét vuông với giá 1,1-1,5 triệu đồng/tháng. Nếu phải thuê phòng 20-25m2 thì đương nhiên chi phí tăng thêm mà lương công nhân của họ khó kham nổi”, ông Nam nói.
Ngoài ra, đề xuất tiêu chí nhà trọ phải có hẻm rộng 4m trở lên, cách đường chính không quá 100m cũng khó khả thi, bởi nếu có mặt bằng đắc địa cỡ đó thì ít ai lại làm phòng trọ giá rẻ hoặc sẽ xuất hiện nhiều phòng trọ “chui” không đạt quy định tối thiểu, núp bóng dưới dạng cho người quen ở nhờ…
Kết quả khảo sát của Sở Xây dựng với 1.734 người cho thuê và người thuê trọ, ghi nhận người thuê trọ đặc biệt quan tâm được “hỗ trợ về phòng cháy chữa cháy”; Cả người cho thuê và người thuê trọ đều đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố “xác nhận nhà cho thuê trọ đạt chuẩn an toàn”. Ảnh: Nguyễn Vy
Theo GS-TS. Nguyễn Văn Chính (Trưởng bộ môn Nhân học Phát triển, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong con mắt các nhà quản trị đô thị, dân tạm cư dường như chỉ mang đến tiêu cực hơn là tích cực cho thành phố, và đó là lý do tại sao họ được quản lý chặt về phương diện hành chính nhưng vai trò của họ với phát triển của thành phố lại thường bị lờ đi hoặc không được phát huy. Dù chưa được nhìn nhận một cách đúng mức, lao động ngoại tỉnh đặc biệt có vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa lấy mức lương thấp để cạnh tranh.
GS. Chính cho biết: “Lao động ngoại tỉnh có xu hướng tối đa hóa thu nhập và tối thiểu hóa mức chi tiêu, chấp nhận lương thấp, sống trong điều kiện tù túng nghèo nàn để dành dụm thu nhập gửi về quê, góp phần cải thiện đời sống ở quê nhà. Nhờ đó đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở ngay tại nơi xuất cư”. Cũng theo GS. Chính, chính sách an sinh xã hội cho nhóm lao động di cư cần được đưa vào kế hoạch dài hạn, căn cơ, được thảo luận kỹ càng và trở thành một phần của chiến lược phát triển quốc gia và đô thị. Tránh tình trạng đối phó và giải quyết tùy hứng, vụn vặt, chỉ làm khi có vấn đề xảy ra như hiện nay.
Kiến nghị giải pháp hỗ trợ người thuê trọ
Ông Nam nhận định với thực tế 12.800 nhà trọ không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động nếu bị cấm cho thuê trọ thì nguồn cung sẽ sụt giảm, kéo theo lượng lớn người cần thuê trọ gặp khó khăn chỗ ở. “Vấn đề nên ưu tiên hiện nay là TP.HCM thực hiện các chính sách an sinh xã hội để đảm bảo đủ chỗ ở an toàn cho người thu nhập thấp, sau đó mới tới câu chuyện chuẩn hóa điều kiện cho thuê nhà trọ”, ông Nam đề nghị.
Phòng trọ của gia đình công nhân người Ê Đê làm việc ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh tư liệu. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn
Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM), với số lượng phòng trọ rất lớn như hiện nay mà đa số khu trọ kiểu dãy nhiều phòng chật hẹp, không đảm bảo chất lượng, thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn… thì cần thiết ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu. Để nguồn cung không sụt giảm khi triển khai quy định tối thiểu, ông Châu đề xuất khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng kinh doanh mô hình nhà trọ, phòng trọ 100% cho thuê (không gồm bán) và có cơ chế để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia. Bên cạnh đó, nên xếp nhóm nhà trọ cho thuê vào mô hình đặc thù như nhà ở xã hội và áp dụng ưu đãi giảm thuế khoán 50% cho các hộ kinh doanh nhà trọ (khoản thuế khoán đang là 7% trên doanh thu). Ngoài ra cũng cần có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ được vay lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp cho đạt mức an toàn của quy định…
Nên xếp nhóm nhà trọ cho thuê vào mô hình đặc thù như nhà ở xã hội và áp dụng ưu đãi giảm thuế khoán 50% cho các hộ kinh doanh nhà trọ (khoản thuế khoán đang là 7% trên doanh thu).
Sở Xây dựng cho biết các quy định tối thiểu chỉ mới là đề xuất ban đầu trên cơ sở đánh giá thực trạng và những thảm họa về cháy nổ nhà trọ đã xảy ra trên cả nước. Do vậy các tiêu chuẩn như hẻm xây nhà trọ phải có chiều rộng tối thiểu 3-4m và cách mặt đường chính không quá 100m; diện tích sàn 5m2/người… là những biến số, chưa phải kết quả cuối cùng. Căn cứ tình hình thực tế và kết quả thống kê mà các quận huyện rà soát, sẽ có những quy định phù hợp hơn, như: hẻm rộng từ 2-3m, hoặc cách đường chính 150-200m, diện tích bình quân 4-5m2 hoặc tùy theo từng khu vực cụ thể.
Ngoài ra, dự thảo Đề án Quản lý, Hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP.HCM cũng đề xuất sơ bộ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh doanh nhà trọ, phòng trọ như: hỗ trợ chủ nhà trọ vay lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp nhà trọ đạt mức an toàn của quy định tối thiểu; hỗ trợ cho vay vốn chuyển đổi ngành nghề kinh doanh đối với các trường hợp không thỏa điều kiện về quy định tối thiểu, nếu có nhu cầu; xây dựng app mobile nhà trọ an toàn, cập nhật dữ liệu thường xuyên, hỗ trợ những nhà cho thuê trọ đạt chuẩn, hỗ trợ kết nối, liên kết giữa chủ và người thuê trọ...
“Đề án cũng đề xuất chính quyền địa phương yêu cầu chủ nhà trọ cam kết kinh doanh đúng theo đơn giá, định mức nước, điện sinh hoạt (đã bao gồm tỷ lệ hao hụt), đảm bảo không thu thêm phần giá chênh lệch. UBND TP.HCM chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu hỗ trợ cho phép áp dụng đơn giá, định mức điện, nước nhà trọ là loại hình không kinh doanh hoặc quy định đơn giá trần định mức điện, nước đối với nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ…”, Sở Xây dựng cho biết.
Giá thuê nhà trọ dao động 3 - 5 triệu đồng/tháng
Kết quả kiểm tra khoảng 60.500 nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng cho biết loại hình dãy phòng cho thuê độc lập (tập trung ở các quận 7, 12, Gò Vấp, Bình Tân; thành phố Thủ Đức; các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) có 34.800 công trình, trong đó tổng số phòng cho thuê là 357.246 phòng, tổng diện tích sàn xây dựng 6.275.913m2; tổng số người cho thuê tối đa 943.341 người.
Nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê (tập trung chủ yếu ở các quận 7, 10, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh; thành phố Thủ Đức; các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) có 25.670 công trình, trong đó tổng số phòng cho thuê 202.973 phòng; tổng diện tích sàn xây dựng 3.193.186m2; tổng số người cho thuê tối đa 486.726 người.
Đa số nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ đều được cấp phép xây dựng nhà ở, xây dựng chủ yếu từ năm 2015 đến năm 2020, thường có diện tích đất 100-200m2; diện tích sàn xây dựng 500-850m2; diện tích cho thuê trọ trong khoảng 200-300m2; đã cho thuê trọ từ 5 đến dưới 7 năm; bình quân số phòng cho thuê 11-16 phòng; diện tích tối đa mỗi phòng 20-25m2; diện tích tối thiểu mỗi phòng khoảng 10-15m2; giá thuê dao động 3-5 triệu đồng/tháng.
Minh Hoàng - Tấn Khải