TP.HCM: Số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam

TP.HCM: Số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Sở Y tế TP.HCM cảnh báo vẫn còn nhiều điểm nguy cơ trong cộng đồng có chứa lăng quăng (bọ gậy), nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát trong những tháng cuối năm vẫn có thể xảy ra.
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 20/11, Thành phố đã ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2023 (16.636 ca). Tuy nhiên, dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm 2023, nhưng TP.HCM vẫn đang là địa phương có số ca sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam, chiếm 25% tổng số ca mắc của khu vực.
“Từ tuần 37 đến nay, số ca mắc của Thành phố có xu hướng tăng liên tục hàng tuần và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết”, Sở Y tế Thành phố cho biết.
Qua giám sát các điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ghi nhận nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng. Do đó, nguy cơ ca bệnh sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu không có những biện pháp quyết liệt.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị và từ mỗi gia đình.
Để tăng cường phòng chống sốt xuất huyết trong những tháng cuối năm, Sở Y tế đề nghị các Trung tâm Y tế quận/huyện, Trạm Y tế phường/xã thực hiện điều tra, xử lý ca bệnh và ổ dịch sốt xuất huyết triệt để trên địa bàn.
Đồng thời, các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để đưa ra hướng xử lý kịp thời và hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Bên cạnh đó, việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ các điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn cũng cần được thực hiện.
Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị các Ủy ban Nhân dân quận/huyện, phường/xã tiếp tục triển khai quyết liệt các hoạt động như duy trì hoạt động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch và xử phạt vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Đối với các Sở, ban, ngành liên quan, Sở Y tế lưu ý cần phải chủ động triển khai hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trong cơ quan, đơn vị và phạm vi mình quản lý.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố kêu gọi mỗi cá nhân, gia đình cần chủ động tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh lăng quăng. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết, cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc, điều trị phù hợp.
Hiện, vaccine sốt xuất huyết đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tạo miễn dịch chủ động bằng vaccine là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng. Tiêm chủng vaccine sốt xuất huyết là một phần trong giải pháp tổng thể phòng chống sốt xuất huyết. Dù vậy, các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng ngừa muỗi đốt cần được duy trì thường xuyên ngay cả khi đã tiêm chủng vaccine.
Thi Nguyễn
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/tp-hcm-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-cao-nhat-khu-vuc-phia-nam.htm