Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM cho biết, trong nhiệm kỳ tới, Hội phấn đấu 90% quận, huyện đủ điều kiện thành lập Hội và 70% phường-xã phát triển chi hội. Trong bối cảnh hiện nay với chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, Hội sẽ ổn định lại tổ chức cơ cấu, tinh gọn, để làm sao phát huy tối đa khả năng, sức mạnh của mình.
Theo đó, mục tiêu của Hội vẫn phải bám sát 2 vấn đề lớn, trước hết là đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam và cùng cơ quan ban ngành đoàn thể, bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, không để ai bị bỏ lại phía sau. Muốn vậy phải tạo ra những hoạt động hữu ích về giáo dục đào tạo, dạy nghề, giúp các nạn nhân da cam tự khẳng định bản thân, tăng khả năng hội nhập, tạo sự tự tin của cá nhân để họ cảm thấy mình luôn được chia sẻ, chăm sóc, hòa nhập với cuộc sống.
Ra mắt Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM nhiệm kỳ 2024-2029 (ảnh: Ngọc Xuân)
Để làm được điều này cần sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền TP.HCM, các địa phương cùng bạn bè quốc tế, và bản thân Hội cần có cách làm phù hợp với từng địa phương, hoàn cảnh, từng con người trên từng địa bàn cụ thể.
Trong nhiệm kỳ mới 2024-2029, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo để làm sao tạo ra một làn sóng trong các hoạt động, tích cực vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, sự chung tay của bạn bè quốc tế, để nạn nhân da cam cảm thấy luôn có sự đồng hành.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, tân Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM (ảnh: Ngọc Xuân)
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, tân Chủ tịch Hội mong muốn Thành ủy UBND, MTTQ và các cơ quan đoàn thể TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương để hoàn thành mục tiêu đưa dự án làng Cam vào hoạt động.
"Đây là sự chờ đợi, mong ước, khát khao của tất cả nạn nhân da cam, là nơi sẽ biến ước mơ thành hiện thực, tạo điều kiện tốt nhất cho nạn nhân da cam. Vấn đề thứ hai là sự chăm sóc sức khỏe và thứ ba là dạy nghề, đưa nạn nhân da cam vào hội nhập bằng giáo dục, bằng hoạt động đoàn thể, mang tính chất phong trào để họ hòa nhập và cảm thấy luôn được yêu thương" - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Chương trình Đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam năm 2024 tại TP.HCM (ảnh: Ngọc Xuân)
Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM