Ngày 17/5, Sở Y tế TP.HCM thông báo triển khai đợt kiểm tra khẩn cấp trên toàn địa bàn nhằm ngăn chặn việc lưu hành thuốc giả, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế không rõ nguồn gốc. Động thái này được đưa ra ngay sau khi lực lượng Công an TP. Hà Nội triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn hàng giả thuộc lĩnh vực y tế.
Theo báo cáo, một lượng lớn các sản phẩm giả đã thâm nhập vào hệ thống phân phối, từ nhà thuốc đến cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu toàn bộ các đơn vị y tế trên địa bàn, bao gồm bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc và các cơ sở kinh doanh y tế khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm hiện có.
Các đơn vị phải đảm bảo tuyệt đối không sử dụng hoặc kinh doanh bất kỳ sản phẩm nào không có nguồn gốc rõ ràng, nghi ngờ giả mạo. Đồng thời, toàn bộ quy trình mua sắm, tiếp nhận thuốc và trang thiết bị y tế trong thời gian qua cần được kiểm tra lại để xác minh tính hợp pháp của nhà cung cấp, đảm bảo sản phẩm có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường, cơ sở liên quan phải tiến hành niêm phong, ngừng sử dụng sản phẩm, và nhanh chóng báo cáo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với các cơ sở kinh doanh dược, yêu cầu rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc và sản phẩm y tế đang kinh doanh, chỉ được phép lưu hành sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, đồng thời cập nhật đầy đủ dữ liệu lên Hệ thống cơ sở dữ liệu dược Quốc gia.
Phòng Y tế các quận, huyện và TP. Thủ Đức có trách nhiệm thông báo rộng rãi đến cộng đồng, các cơ sở y tế và kinh doanh dược phẩm về các sản phẩm giả đã bị phát hiện. Đồng thời, các đơn vị này cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo sản phẩm y tế, phối hợp với cơ quan truyền thông để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nếu có.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm TP.HCM được giao nhiệm vụ chủ động lấy mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường, kịp thời báo cáo về Sở Y tế và các cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng phát động đợt cao điểm kéo dài từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn bán và sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, sữa và thiết bị y tế giả trên toàn quốc. Văn bản chỉ đạo được gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, xử lý và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương siết chặt công tác quản lý đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, quản lý thị trường, thông tin truyền thông để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Y tế nhấn mạnh việc các Sở Y tế địa phương cần phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để yêu cầu các nhà khoa học, chuyên gia không tham gia quảng cáo sản phẩm khi chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng, tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Bộ cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế phải thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm trong quá trình thẩm định, cấp phép hoặc công bố sản phẩm.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc và thiết bị y tế giả trên địa bàn.
Hùng Nguyễn