Chuyên gia hiến kế
Tại phiên họp lần thứ 6 của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội - tháng 1/2025, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, năm 2025, TP.HCM cần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 8% thông qua các động lực truyền thống, sau đó tiến thêm 2% nhờ các dự án mới để đạt mức tăng trưởng 10%.
Để thực hiện điều này, thành phố cần xây dựng hai tầng giải pháp và triển khai theo lộ trình phù hợp với thực tế.
Tầng giải pháp đầu tiên nhằm đảm bảo mức tăng trưởng 8% bằng cách tận dụng các động lực truyền thống. Theo ông Ngân, giai đoạn 2017-2019, TP.HCM dễ dàng đạt mức tăng trưởng này nhờ tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 33% GRDP vào năm 2019.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến tổng vốn đầu tư xã hội giảm mạnh, từ 446.000 tỷ đồng (2019) xuống còn 395.000 tỷ đồng (2024), chỉ chiếm hơn 22% GRDP - mức thấp hơn nhiều so với trước dịch. Vì vậy, mục tiêu cấp thiết là tăng tổng vốn đầu tư xã hội trong năm 2025.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân.
Với GRDP ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng, để đạt mức 33% như năm 2019, TP.HCM cần huy động khoảng 660.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công có thể đóng góp 100.000-120.000 tỷ đồng.
“Mấu chốt để duy trì mức tăng trưởng 8% là thu hút khoảng 500.000 tỷ đồng từ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài”, ông Ngân nói và cho rằng để thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài, TP.HCM cần có quỹ đất với giá hợp lý, hạ tầng đồng bộ, môi trường và thể chế.
Về quỹ đất, ông Ngân cho rằng, TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng khu công nghiệp mới và tái cơ cấu khu công nghiệp cũ để tạo quỹ đất sạch với chi phí hợp lý.
Về hạ tầng đồng bộ, thành phố phải tập trung vào hạ tầng giao thông, xã hội và số hóa. Các dự án hạ tầng như đường sắt đô thị, các tuyến vành đai… đang được triển khai bài bản, nếu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, dòng vốn đầu tư sẽ gia tăng.
Cuối cùng, về môi trường đầu tư và thể chế, ông Ngân nhận định, Nghị quyết 98 đã mở rộng hành lang pháp lý, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là cải cách hành chính. TP.HCM cần quyết liệt cải thiện các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR Index (cải cách hành chính), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công) để thu hút đầu tư.
Hiện thành phố đang tinh gọn bộ máy hành chính, nhưng quan trọng là sau khi tinh gọn, bộ máy phải đảm bảo hiệu quả cải cách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần đầu tư mạnh vào công nghiệp văn hóa, kết nối với du lịch nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, khi đã đảm bảo mức tăng trưởng 8%, TP.HCM cần hướng đến 2% tăng trưởng còn lại bằng cách khai thác các dự án mới, trọng tâm quan trọng là Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM.
Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
“Khi trung tâm này được thành lập và vận hành hiệu quả, nó có thể tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng thêm 2%. Ngoài ra, các dự án lớn như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, khu thương mại tự do… cũng sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế thành phố”, ông Ngân nói và nhấn mạnh TP.HCM cũng cần tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
“TP.HCM đã thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Chuyển đổi số, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Nghiên cứu R&D, các viện và trường đại học lớn. Nếu tận dụng tốt các trung tâm này, thành phố có thể thúc đẩy mạnh mẽ quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp thêm vào tăng trưởng kinh tế”, ông Ngân nói thêm.
Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, mục tiêu tăng trưởng 10% của thành phố trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi nếu giữ vững 8% từ các động lực truyền thống và khai thác tốt 2% từ các dự án mới.
Với chiến lược phát triển rõ ràng, giải pháp cụ thể và quyết tâm mạnh mẽ, TP.HCM có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, củng cố vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đồng quan điểm, GS-TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐHQG Singapore) - nhận định, mục tiêu tăng trưởng hai con số của TP.HCM là "rất tham vọng nhưng hoàn toàn có cơ sở".
Ông cho rằng, dù kinh tế thành phố còn nhiều khó khăn, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2023 và 2024 đang gia tăng, tạo tín hiệu tích cực. Đặc biệt, Nghị quyết 98 đã mang lại luồng sinh khí mới, thúc đẩy tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong thành phố.
"Việc thực hiện Nghị quyết 98 đã khơi dậy tinh thần, ở nhiều dự án, tôi thấy anh em làm ngày đêm, kể cả thứ Bảy", GS Vũ Minh Khương nhận xét.
Theo ông Khương, sự kiện tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành cũng là một dấu mốc quan trọng, tiếp thêm niềm tin và động lực cho chính quyền cũng như người dân.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, GS Vũ Minh Khương nhấn mạnh hai lĩnh vực có tiềm năng lớn mà TP.HCM cần tập trung khai thác. Trước hết, thành phố cần nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, giúp họ tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, TP.HCM cần chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành các trung tâm dữ liệu hoặc khu công nghiệp hiện đại. Đây không chỉ là bước đi giúp doanh nghiệp trở nên "xanh" hơn mà còn có thể biến các khu vực trung tâm thành "thỏi nam châm" thu hút hàng tỷ đô la đầu tư, như cách Thái Lan hay Malaysia đã thực hiện.
"Chúng ta thường tìm kiếm những yếu tố mới, nhưng 'kho báu' thực sự nằm ngay trong chính thành phố - đó là các doanh nghiệp. Với 220.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nếu không có sự hỗ trợ và định hướng phù hợp, họ sẽ không thể phát triển như kỳ vọng. Do đó, TP.HCM cần khảo sát, thấu hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và tạo ra sự cộng hưởng, phát huy nguồn lực sẵn có để nâng cao năng lực phát triển của thành phố", GS Vũ Minh Khương khẳng định.
Cam kết của Chủ tịch TP.HCM trước Thủ tướng và cả nước
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, sáng 21/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, năm 2025, thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025.
Nhận định đây là nhiệm vụ hết sức là nặng nề, khó khăn nhưng không thể không làm, ông Nguyễn Văn Được đề xuất một số giải pháp trọng tâm, trước mắt để hoàn thành mục tiêu.
Về nhiệm vụ trước mắt, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, cần đưa bộ máy sau sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả và không để tình trạng gián đoạn trong quản lý Nhà nước.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Văn Được. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Cùng đó, TP.HCM tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các cái dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc. Thành phố sẽ phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm, từng vướng mắc và xin ý kiến của Chính phủ cũng như ý kiến các bộ ngành để có giải pháp tháo gỡ, để các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực để cho thành phố phát triển trong thời gian tới.
Liên quan đến việc giải quyết các điểm nghẽn, xử lý các dự án tồn đọng, dự án dừng thi công, khẩn trương triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng để chống lãng phí, thất thoát, ông Nguyễn Văn Được cho hay, TP.HCM sẽ rà soát và xử lý các vướng mắc, báo cáo các cấp thẩm quyền và các ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn.
Một nhiệm vụ trước mắt nữa được Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập là huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10%. (Ảnh minh họa)
Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Được cho biết, thành phố rà soát, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu đến 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với nhiệm vụ triển khai ngay quy hoạch của thành phố sau khi Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM tiếp tục duy trì và làm mới các động lực tăng trưởng, tận dụng các cơ hội mới cho thành phố phát triển như chương trình hành động của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
"Thành phố tiếp tục hứa với Thủ tướng, vì cả nước, vì đồng bào thành phố sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số như Thủ tướng đã kỳ vọng", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nói.
Hoàng Thọ