Tp.HCM tháo gỡ vướng mắc cho 5 dự án lớn

Tp.HCM tháo gỡ vướng mắc cho 5 dự án lớn
18 giờ trướcBài gốc
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu cần phải sớm khắc phục và tháo gỡ vướng mắc, nhanh chóng đưa các dự án này vào khai thác.
Trong 5 dự án này, Tập đoàn Keppel có 3 dự án. Ngoài Saigon Sports City quy mô 64ha tại Tp.Thủ Đức, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Singapore còn có 2 dự án tọa lạc ngay trung tâm Tp.HCM nhưng gặp vướng mắc gần 30 năm qua.
Năm 1993, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp phép đầu tư lần đầu cho dự án Saigon Centre (số 92 – 94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1), quy mô 19.668m2. Mục tiêu của dự án này là xây dựng khách sạn, văn phòng và kinh doanh các dịch vụ khách sạn, căn hộ và cho thuê văn phòng.
Tháng 12/1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) có quyết định chuẩn y việc phân chia Saigon Centre làm 5 dự án thành phần, gồm các dự án Saigon Centre I, II, III, IV và V. Hiện 3 dự án Saigon Centre I, II và III đã hoàn thành và đi vào sử dụng.
Hai dự án còn lại Saigon Centre IV (3.376m2) và V (5.247m2) có mục tiêu xây dựng cao ốc văn phòng, chủ đầu tư lần lượt là Công ty TNHH Keppel Land Watco IV và Công ty TNHH Keppel Watco V. Đây là hai doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Keppel.
Tại mỗi pháp nhân nói trên, Tập đoàn Keppel sở hữu 84% cổ phần thông qua hai công ty con. Số cổ phần còn lại tại mỗi công ty do Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco) nắm giữ.
Về tiến độ, hiện hai dự án Saigon Centre IV và V vẫn đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, dự án Saigon Centre IV đã bồi thường gần 76% tổng diện tích dự án.
Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư hai dự án trên đã kiến nghị Bộ KH-ĐT điều chỉnh 4 nội dung, trong đó có tiến độ thực hiện. Cụ thể, hoàn tất các thủ tục, thi công và nghiệm thu công trình trong vòng 60 tháng kể từ ngày được bàn giao đất; thời hạn hoạt động của dự án thành 50 năm kể từ ngày được giao đất.
Tại báo cáo thẩm định vào tháng 12/2024, Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ điều chỉnh chủ trương cho dự án Saigon Centre IV và V. Trong đó, Bộ chỉ xem xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ về nội dung điều chỉnh thời hạn hoạt động của 2 dự án.
Theo UBND Tp.HCM, sau khi Thanh tra Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh thời hạn hoạt động của 2 dự án, vẫn còn 2 vướng mắc chính.
Cụ thể, hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại 2 dự án vẫn chưa hoàn tất. Một số doanh nghiệp và tổ chức chưa phối hợp bàn giao mặt bằng như: Phòng Hành chính Quản trị phía Nam thuộc Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải; Công ty Tedi South; Công ty Portcoast; Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà Thành phố.
Vướng mắc còn lại vấn đề đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch của các dự án thành phần sau khi chia tách từ dự án Saigon Centre ban đầu.
Để khắc phục cho dự án Saigon Centre, UBND Tp.HCM cho biết cần điều chỉnh mục tiêu của 2 dự án thành phần Saigon Centre IV và V. Việc điều chỉnh này vẫn phải đảm bảo đầy đủ các hạng mục và phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch chung.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 Tp.HCM, đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa tại Tp.Thủ Đức, có chiều dài 2,7 km, đã được khởi công từ năm 2017 nhưng tạm ngưng thi công vào năm 2020. Sau khi triển khai khoảng 44% khối lượng công việc, dự án đã gặp phải một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc điều chỉnh dự án.
Đơn vị chủ đầu tư và lập hồ sơ đề xuất cho dự án gồm Liên danh Công ty Tư vấn Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest, và Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 được phê duyệt tại Quyết định số 5305/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 là hơn 1.134 tỷ đồng, nguồn vốn do nhà đầu tư tự thu xếp theo hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tạm ngưng thi công là công tác giải phóng mặt bằng tại Tp.Thủ Đức vẫn còn một số vị trí chưa bàn giao xong. Nhà đầu tư hiện đang chờ ký phụ lục hợp đồng về việc thay đổi cơ cấu giá trị xây lắp và định giá đất để có thể triển khai các dự án khác.
Việc chậm trễ trong giải quyết các vướng mắc của dự án đã gây lãng phí về thời gian, phát sinh chi phí do trượt giá, cũng như không tạo được sự kết nối giao thông cần thiết để phát triển kinh tế. Điều này cũng dẫn đến việc gia tăng lãi suất thực hiện cho dự án BT.
Bên cạnh dự án đường Vành đai 2, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM cũng đang gặp khó khăn. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008, với mục tiêu kiểm soát tình trạng ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570 km², phục vụ khoảng 6,5 triệu dân.
Tổng mức đầu tư cho dự án là gần 10.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 6/2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, dự án đã phải tạm dừng thi công 3 lần, đợt gần nhất là từ tháng 11/2020 đến nay.
Để hỗ trợ cho Tp.HCM, vào ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40 về việc tiếp tục triển khai dự án. UBND Tp.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể “chuyển động”.
Theo UBND Tp.HCM, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thiếu nguồn vốn để hoàn thành công trình. Để khắc phục tình trạng này, vào tháng 12/2024, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi mà không cần thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời, đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn cho dự án và xem xét miễn giảm lãi suất vay phát sinh trong quá trình triển khai.
UBND Tp.HCM cũng đề xuất ủy quyền cho Chủ tịch UBND thành phố quyết định sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT liên quan đến 2 khu đất thu hồi theo Luật Đất đai.
Trước đó, vào tháng 1/ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổ chức hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho năm dự án lớn tại Tp.HCM. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) phối hợp với các bộ, ngành và UBND Tp.HCM xây dựng nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho những dự án này.
Tp.HCM sẽ dựa vào Nghị quyết 40/NQ-CP và Nghị quyết số 98/2023/QH15 để khẩn trương xử lý các vướng mắc, nhằm đảm bảo triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Bùi Xuân Cường đã yêu cầu các sở, ngành rà soát và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp tác với Sở Tài chính trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn và kiện toàn nhân sự cho tổ công tác dự án. Ngày 30 tháng 3, Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp tục rà soát và đánh giá để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội Nghị quyết số 170/2024/QH15 để tạo cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các dự án và đất đai tại Tp.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Dự kiến, một nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại Tp.HCM sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 4 này.
Quốc Lâm
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tphcm-thao-go-vuong-mac-cho-5-du-an-lon-d57373.html