Năm 2024, Cục Quản lý Thị trường Tp.HCM đã thu nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng (đạt 113,7 % so với chỉ tiêu, vượt hơn 12 tỷ đồng so với năm 2023), trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý hơn 73,3 tỷ đồng (tăng 37,52%) và trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 60,4 tỷ đồng (tăng 10,2%).
Đối với mặt hàng vàng trang sức, Quản lý Thị trường Tp.HCM đã kiểm tra, xử lý 326 vụ vi phạm (chiếm tỉ trọng 6,72% tổng số vụ vi phạm), trị giá tang vật vi phạm hơn 18,26 tỷ đồng và xử phạt tiền hơn 17,6 tỷ đồng (chiếm tỉ trọng 18,8% tổng số tiền xử phạt).
Ảnh minh họa.
Đối với hoạt động thương mại điện tử, Cục Quản lý Thị trường Tp.HCM đã xử lý với 379 vụ vi phạm, tăng 392% so với năm 2023 và chiếm 8% tổng số vụ vi phạm. Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 8,6 tỷ đồng, số tiền xử phạt hơn 7,6 tỷ đồng.
Đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 2.215 vụ vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 89,9 tỷ đồng, đã xử phạt tiền hơn 44,1 tỷ đồng.
Cơ quan quản lý cũng đã kiểm tra, xử lý 121 vụ, tập trung xử lý các vụ việc vi phạm có quy mô lớn liên quan đến mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử. Điển hình như vụ xe vận chuyển hơn 120.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại Củ Chi và vụ phát hiện hơn 10.000 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng tại quận 1 và quận Tân Phú.
Trong năm 2025, Cục Quản lý thị trường Tp.HCM sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trên thị trường nội địa; lên kế hoạch kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát, kiểm tra hoạt động trong thương mại điện tử, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết.
Đơn vị cũng đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong việc chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
Gia Linh