Chi cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo kinh tế - xã hội tháng 4/2025, cho thấy nhiều tín hiệu tích cực từ hoạt động thương mại, dịch vụ và đặc biệt là lĩnh vực bất động sản tiếp tục là ngành chủ lực trong nhóm “dịch vụ khác”, đóng góp đến 57,5% doanh thu của nhóm này. Sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực này được xem là điểm sáng, góp phần quan trọng vào bức tranh kinh tế chung của TP.HCM trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chịu nhiều sức ép từ bên ngoài.
Bất động sản TP. HCM đạt hơn 95.176 tỷ đồng trong 4 tháng (Ảnh minh họa).
Cùng với bất động sản, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước đạt 57.776 tỷ đồng, chiếm 44,8% tổng mức bán lẻ và tăng lần lượt 14,0% so với tháng trước và 28,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 205.378 tỷ đồng, tăng 15,9%.
Một số nhóm hàng có mức tăng mạnh do yếu tố mùa vụ, như đồ dùng, thiết bị gia đình tăng 12,9%, thực phẩm – lương thực tăng 11,1%, trong đó mặt hàng máy làm mát ghi nhận nhu cầu tăng vọt do thời tiết nắng nóng kéo dài.
Hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng khởi sắc mạnh mẽ. Doanh thu tháng 4 đạt 19.485 tỷ đồng, tăng 44,3% so với tháng trước và tăng tới 87,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú tăng 96,6%, còn dịch vụ ăn uống tăng 86,1%. Giai đoạn cao điểm dịp lễ 30/4 ghi nhận tình trạng kín phòng tại nhiều khách sạn trung tâm, các nhà hàng cũng triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi thu hút khách. Tổng doanh thu 4 tháng của nhóm này đạt 58.077 tỷ đồng, tăng 42,2%.
Dịch vụ lữ hành tiếp tục phục hồi mạnh với doanh thu tháng 4 đạt 7.012 tỷ đồng, gấp đôi so với tháng trước và cùng kỳ. Sự kiện đại lễ 30/4 và Đại lễ Vesak 2025 tổ chức quy mô lớn, an toàn, bài bản đã thu hút lượng lớn người dân và du khách trong và ngoài nước đến TP.HCM, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng và dịch vụ du lịch. Tính chung 4 tháng, doanh thu lữ hành đạt 15.770 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ.
Về thu ngân sách, trong 4 tháng đầu năm 2025, TP.HCM thu được 202.193 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán và tăng 3,76% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa chiếm hơn 160.900 tỷ đồng (đạt 41,35% dự toán), thu từ xuất nhập khẩu đạt 41.214 tỷ đồng (đạt 31,7%). Với kết quả này, Thành phố đã hoàn thành gần 40% kế hoạch thu ngân sách năm 2024.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, tăng trưởng thu ngân sách đến từ sự khởi sắc tương đối đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 37,6%. Xuất khẩu đạt 16,1 tỷ USD (tăng 9,07%), du lịch đạt 76.581 tỷ đồng (tăng 27,5%), sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng 9,38%, đường thủy tăng 14,19%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng 7,9%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo tăng trưởng xuất khẩu hiện tại mang tính thời điểm, chủ yếu do doanh nghiệp tranh thủ đẩy hàng sang Mỹ trong thời gian được hoãn áp thuế 90 ngày. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng nhận định “xuất khẩu tăng nhanh nhưng là tăng vội”, chưa thể xem là dấu hiệu phục hồi bền vững. Đồng thời, việc giải ngân đầu tư công mới đạt 7,2% tổng vốn gần 85.500 tỷ đồng vẫn là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Đình Khương