Chính quyền TP.HCM đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy sử dụng cho dịch vụ công nghệ và giao hàng sang xe điện, nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh ô nhiễm đô thị ngày càng nghiêm trọng.
Thông tin được ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đưa ra tại buổi họp báo mới đây về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Dự thảo danh sách nhóm đối tượng chuyển đổi sẽ được hoàn tất trong tháng 6, với kế hoạch trình UBND Thành phố vào tháng 7 sau các cuộc hội thảo tham vấn chuyên gia và cơ quan quản lý.
“Việc chuyển đổi nhóm này sang xe điện sẽ mang lại hiệu quả kiểm soát phát thải rõ rệt cho TP. HCM”, ông Hải nói.
Nói rõ hơn, ông Hải cho hay, nhóm xe công nghệ có lượng phát thải lớn tại TP.HCM do xe chạy trung bình hơn 100 km/ngày với tần suất cao.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM với hơn 400 tài xế chạy xe xăng từ hãng Grab, Be và Gojek cho thấy, chi phí xăng trung bình mỗi ngày khoảng 70.000-100.000 đồng.
Trong khi đó, dùng xe điện như hãng Xanh SM mỗi ngày chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền sạc điện. Sau khi trừ chi phí sạc, hao mòn pin và thời gian chờ sạc, mức tiết kiệm ròng mỗi ngày vẫn đạt 40.000-60.000 đồng, tương đương 1 triệu đồng mỗi tháng.
"Việc chuyển đổi này còn giúp tối ưu hóa chi phí và tăng thu nhập cho các tài xế", ông Hải nói.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Theo ông Hải, nếu dùng khoản tiết kiệm này để trả góp mua xe điện thì tài xế có thể hoàn tất khoản vay chỉ sau 2-2,5 năm. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã làm việc với các ngân hàng để xây dựng sản phẩm tín dụng phù hợp cũng như cam kết ưu đãi từ các doanh nghiệp sản xuất xe điện.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương miễn lệ phí trước bạ và thuế VAT trong ha năm đầu đối với xe điện mới và tài xế công nghệ nhằm tạo lực đẩy cho chương trình.
Nói thêm về chương trình chuyển đổi giao thông xanh của TP.HCM, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết thành phố đã có giải pháp đầu tư xe buýt theo từng giai đoạn, ưu tiên xe sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường từ năm 2021- 2030.
Hiện nay, thành phố có 19 tuyến xe buýt điện với 160 xe và 18 tuyến xe buýt sử dụng khí CNG với 528 xe.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông vận tải - nay là Sở Xây dựng - thực hiện đề án kiểm soát khí thải xe theo hai giai đoạn và cơ quan này đã hoàn thành chuyên đề giai đoạn 1.
Sở Xây dựng đã đưa ra ba lộ trình. Thứ nhất, đến năm 2030, toàn bộ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Thứ hai, ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện. Cuối cùng là đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.
An Nhiên