Chiều 3/7, tại cuộc họp báo cung cấp tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở Xây dựng TP.HCM) đã có những chia sẻ liên quan việc gỡ vướng 17 dự án nhà ở thương mại đang vướng mắc liên quan việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) từ việc thành phố không mua lại quỹ nhà trong dự án để phục vụ tái định cư.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở Xây dựng TP.HCM).
Theo ông Vinh, về nội dung yêu cầu các chủ đầu tư dự án bán lại một phần nhà ở trong dự án để phục vụ nhu cầu bố trí tái định cư của thành phố được quy định trong các văn bản pháp lý dự án.
Đây là những dự án phát triển nhà ở có hồ sơ pháp lý được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận trải qua nhiều thời kỳ của quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư và quy định khác có liên quan.
Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành về nhà ở, bao gồm Luật Nhà ở 2014, Luật Nhà ở 2023 cùng các nghị định hướng dẫn liên quan, không có quy định về việc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi thành phố không mua lại phần quỹ nhà tái định cư và phần nhà ở này được kinh doanh thương mại.
Các sở, ngành cũng thống nhất rằng không có cơ sở pháp lý để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung trong trường hợp này.
TP.HCM ghi nhận 17 dự án nhà ở thương mại có vướng mắc liên quan việc thành phố không mua lại quỹ nhà trong dự án để phục vụ tái định cư.
"Trên cơ sở pháp luật hiện hành không có quy định giải quyết các nội dung vướng mắc trên nên việc tham mưu, đề xuất giải quyết cần được rà soát kỹ, chặt chẽ vừa đảm bảo giải quyết kiến nghị của người dân trong việc cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) nhưng cũng phải đảm bảo không thất thoát tài sản của Nhà nước từ việc yêu cầu các chủ đầu tư dự án phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước", ông Vinh nói.
Ông Vinh cho biết thêm, việc tháo gỡ vướng mắc đang được thực hiện trên cơ sở chủ trương khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị), cùng các chỉ đạo của Chính phủ về phục hồi thị trường bất động sản. Sở Xây dựng đang phối hợp các sở, ngành liên quan để báo cáo UBND TP và Tổ công tác đặc biệt xem xét, hướng dẫn xử lý dứt điểm.
Thực tế, tại TP.HCM, nhiều dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đầu tư hạ tầng và bán hết sản phẩm, nhưng vẫn chưa thể cấp sổ hồng, thậm chí có những nơi kéo dài tận 20 năm. Các chủ đầu tư dự án cho biết, vướng mắc bắt nguồn từ quy định cũ yêu cầu dành 10% quỹ đất hoặc 20% quỹ nhà để phục vụ tái định cư, dù sau đó thành phố đã bãi bỏ chủ trương này.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP có khoảng 17 dự án thương mại với hơn 2.300 căn nhà, đất cũng bị ảnh hưởng do chưa có hướng dẫn xác định nghĩa vụ tài chính sau khi TP không mua lại quỹ nhà để tái định cư, khiến doanh nghiệp không thể cấp sổ cho khách hàng. Các dự án tiêu biểu như: Ehome 3 (200 căn), RivaPark (300 căn), Hà Đô Centrosa (200 căn), An Hội 3 (288 căn)… cũng đang gặp tình trạng tương tự.
Năm 2003, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 07, yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở phải dành 10% quỹ đất hoặc 20% quỹ nhà để bổ sung vào quỹ phục vụ tái định cư cho các dự án trọng điểm của thành phố.
Tiếp đó, Chỉ thị 24 năm 2004 tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp xây dựng 30.000 căn hộ tái định cư, với quy định sau khi hoàn thiện, các căn hộ này sẽ được bán lại cho thành phố theo giá thành cộng lợi nhuận định mức.
Dựa trên hai chỉ thị này, trong giai đoạn 2003-2005, hầu hết các dự án nhà ở thương mại được giao đất đều phải dành một phần quỹ đất hoặc quỹ nhà phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, một năm sau, TP.HCM đã có văn bản chính thức bãi bỏ chủ trương nói trên.
Cao Cường