Liên tục phát hiện thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 15.5, ông Nguyễn Quang Huy - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương TP.HCM) cho biết thời gian qua đơn vị đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương TP.HCM) - Ảnh: PV
Cụ thể, chi cục đã xử phạt 25 triệu đồng đối với vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP.Thủ Đức trị giá gần 4,5 tỉ đồng, xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12...
Ngoài ra, qua theo dõi mạng xã hội, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép, UBND TP đã ban hành quyết định xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Mới đây, chiều 14.5, Chi cục Quản lý thị trường TP đã kiểm tra và phát hiện 1 điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây đang kinh doanh hàng chục hộp yến sào tinh chế loại 100gr/hộp, trị giá gần 60 triệu đồng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; một điểm kinh doanh tại quận 8 đang kinh doanh hơn 100 gói bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được giới thiệu, bán trên website thương mại điện tử.
Ông Huy nhận định tình hình thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn những diễn biến phức tạp trên địa bàn TP, mặt hàng thực phẩm vi phạm khá đa dạng như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm bao gói sẵn, đường cát... “Các vi phạm này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh”, ông Huy nhấn mạnh.
Sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước tình hình trên, ông Huy cho biết Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra đột xuất tại các khu vực nổi cộm như chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các kho chứa hàng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường. Trong đó, trọng tâm là kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025 để triển khai hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP “cam kết không vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh phối hợp liên ngành với các lực lượng chức năng khác như công an, y tế, an toàn thực phẩm... để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh, đẩy lùi tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tiếp tục duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường và các đội quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người dân.
Chi Cục quản lý thị trường TP.HCM khuyến cáo người dân mạnh dạn tố giác qua đường dây nóng, bởi người dân phát hiện cũng là nguồn thông tin quan trọng cho việc quản lý thị trường. “Đây là nguồn thông tin quan trọng đối với lực lượng quản lý thị trường”, ông Huy nói.
Đối với những thực phẩm từ các tỉnh thành vận chuyển về TP.HCM, ông Huy cho biết ngoài sự phối hợp kiểm tra tại các cửa ngõ TP, chợ đầu mối, Sở Công Thương TP.HCM chủ động xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác với sở công thương, sở nông nghiệp - môi trường các tỉnh thành có lượng lớn nông sản, thực phẩm tiêu thụ ở TP.HCM.
TP triển khai chương trình "Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn" nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất, nhà cung cấp đến các hệ thống phân phối bán lẻ. Hiện đã có nhiều hệ thống bán lẻ lớn và các nhà sản xuất, kinh doanh uy tín tham gia. Mục tiêu dài hạn là tất cả các sản phẩm lưu thông trên thị trường TP.HCM đều được dán "Tích xanh trách nhiệm", qua đó người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện và truy xuất thông tin về chất lượng, quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm thông qua mã QR.
Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, để nâng cao tính răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm, TP sẽ xem xét và tăng cường một số giải pháp như: Công khai thông tin vi phạm, tăng nặng chế tài xử phạt, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu vi phạm…
Hồ Quang