Làm thêm tại TP.HCM nhưng chỉ được trả công 22.000 đồng/giờ, có phạm luật?

Làm thêm tại TP.HCM nhưng chỉ được trả công 22.000 đồng/giờ, có phạm luật?
3 giờ trướcBài gốc
Bạn Hoàng Dung, sinh viên năm hai tại Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, đang làm thêm tại một quán mì cay với mức lương 22.000 đồng/giờ.
Làm việc khoảng 5-6 buổi mỗi tuần, mỗi buổi từ 4 đến 6 tiếng thì trung bình mỗi tháng Dung kiếm được 3-4 triệu đồng. Mức thu nhập này đủ để Dung trang trải tiền nhà trọ và sinh hoạt cơ bản tại TP.HCM.
Tiền công thấp, áp lực cao nhưng vẫn làm vì có tiền lo chi phí
Tuy nhiên, để có được số tiền công như nêu trên, Dung đã phải sống chung với nhiều áp lực; phải chạy bàn liên tục, dọn dẹp, rửa chén, lau quán… tới tận 11 giờ đêm.
Hầu hết sinh viên làm thêm ở tiệm mì này đều không ký hợp đồng lao động. Việc thỏa thuận tiền công, thời gian làm việc, ngày nghỉ… chủ yếu được trao đổi miệng với quản lý hoặc chủ quán.
“Làm ngày nào tính ngày đó. Tiền công được nhận theo tuần; nếu nghỉ ngang thì có thể không được thanh toán phần còn lại. Mình cũng không rõ mình được quyền đòi hỏi gì; miễn có tiền thì mình làm thôi” - Dung nói thêm.
Tương tự, bạn Nguyễn Quốc Cường (sinh viên năm nhất Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, hiện làm thêm tại một quán cà phê) cho biết: “Quán mình lương thử việc 18.000 đồng/giờ, làm chính thức thì được 20.000 đồng/giờ. Làm khoảng 9 tháng thì được tăng lên 22.000 đồng/giờ. Ở đây trả công sòng phẳng, không bị giam lương”.
Theo Quốc Cường, tiền công này tuy thấp so với chi phí sinh hoạt tại TP.HCM, nhưng vẫn chấp nhận được nếu môi trường làm việc ổn định, không bị bóc lột.
Nếu chủ quán trả công dưới mức lương tối thiểu vùng là vi phạm pháp luật. Ảnh: Al
Phải trả công theo mức lương tối thiểu vùng
Luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động để bảo đảm mức sống tối thiểu cho bản thân họ và gia đình. Mức lương này được xác định theo vùng và có thể tính theo tháng hoặc theo giờ.
Theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, khi giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của các bên thì mối quan hệ này được xác lập dưới hình thức hợp đồng lao động, không phân biệt thời gian làm việc dài hay ngắn.
Hiện mức lương tối thiểu giờ được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024, cụ thể: vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ và vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Từ ngày 1-7-2025, tuy các mức lương tối thiểu giờ không thay đổi, nhưng phạm vi áp dụng của từng vùng sẽ được cập nhật lại theo Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 128/2025, thay thế cho danh mục vùng cũ.
Cụ thể, TP.HCM thuộc vùng I với mức lương tối thiểu là 23.800 đồng/giờ. Nếu sinh viên làm thêm nhận mức lương thấp hơn con số này thì người sử dụng lao động đã vi phạm quy định pháp luật.
LS Thế nhấn mạnh, để biết người sử dụng lao động có trả đúng lương tối thiểu theo quy định hay không, cần căn cứ vào địa bàn cụ thể nơi người lao động làm việc, đối chiếu với danh mục vùng mới.
Hiện nay nhiều người cho rằng nếu làm bán thời gian, ngắn hạn thì không cần ký kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, khi giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của các bên thì mối quan hệ này được xác lập dưới hình thức hợp đồng lao động, không phân biệt thời gian làm việc dài hay ngắn.
Do đó, người làm bán thời gian hoàn toàn có thể và nên ký hợp đồng lao động. Hợp đồng có thể là loại xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Hợp đồng này bắt buộc phải lập bằng văn bản, trừ trường hợp công việc có thời hạn dưới một tháng thì được phép giao kết bằng lời nói.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều thành phố lớn cho thấy, tình trạng sử dụng lao động không hợp đồng vẫn còn rất phổ biến. Theo LS Thế, nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Về phía người sử dụng lao động, nhiều người sử dụng lao động muốn đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và né tránh nghĩa vụ pháp lý như đóng BHXH nên chọn cách không ký hợp đồng.
Ngược lại, phần lớn người lao động thời vụ thiếu kiến thức pháp luật, ưu tiên sự linh hoạt vì cần việc gấp nên không yêu cầu bất kỳ văn bản ràng buộc nào. Họ dễ rơi vào cảnh làm nhiều nhưng quyền lợi không được đảm bảo, khó bảo vệ mình nếu xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, sự thiếu kiểm tra và xử lý kiên quyết từ phía cơ quan chức năng cũng khiến tình trạng này kéo dài.
Trả công, trả lương dưới mức tối thiểu sẽ bị phạt
Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022, hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo số lượng người lao động bị vi phạm.
Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn bị buộc truy trả phần tiền lương còn thiếu, kèm theo lãi suất chậm trả.
Các chế tài nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, bao gồm cả những người làm việc bán thời gian, như sinh viên làm thêm tại các quán ăn, quán cà phê.
Luật sư NGUYỄN ĐÌNH THẾ, Đoàn Luật sư TP.HCM
THẢO HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/tphcm-tra-cong-lam-them-22000-donggio-co-pham-luat-post857385.html