Theo đó, trong thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, trọng tâm là thanh toán học phí và các nguồn thu hợp pháp khác phát sinh qua ngân hàng. Từ đó tạo được môi trường thanh toán linh động và thuận tiện cho phụ huynh khi đóng học phí.
Thống kê báo cáo từ các quận, huyện, TP Thủ Đức, hiện nay, có khoảng hơn 40 đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục (ngân hàng, đơn vị trung gian, app thanh toán, ví điện tử, web…). Thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các đơn vị thanh toán học phí, dịch vụ được nâng cấp hoàn thiện hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP HCM đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ học sinh thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 đạt 81%.
Việc thanh toán không tiền mặt đã được áp dụng tại 100% các cơ sở giáo dục (Ảnh minh họa)
Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo một số giải pháp như các cơ sở giáo dục phải thực hiện kết nối với những hệ thống thanh toán được cấp phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phát triển đa dạng hóa những kênh thanh toán; Tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh, người học có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác...
Bên cạnh đó, UBND TP HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những phương án đề nghị các ngân hàng và đơn vị thanh toán trung gian phối hợp hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp xây dựng biểu phí dịch vụ thống nhất, phù hợp và ổn định trong một thời gian nhất định. Có thể giảm đến mức thấp nhất hoặc miễn phí như các khoản thanh toán điện, nước, điện thoại hiện nay.
Cùng với đó là việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, phụ huynh học sinh về các lợi ích khi tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, có các phương án hỗ trợ phụ huynh lớn tuổi tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thanh toán.
An Vũ