Kê đơn tối đa 90 ngày cho bệnh mạn tính
Theo Khoản 8, Điều 6 của Thông tư 26/2025/TT-BYT (Thông tư 26), người mắc bệnh mạn tính thuộc danh mục tại Phụ lục VII (gồm 252 bệnh/nhóm bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thần kinh, nội tiết…) được kê đơn tối đa 90 ngày nếu sức khỏe ổn định.
Quy định này giúp giảm số lần tái khám không cần thiết, tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật, người dân vùng sâu vùng xa tiếp cận thuốc đúng phác đồ, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
TP.HCM triển khai thực hiện Thông tư số 26/2025/TT-BYT về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú.
Thông tư 26 cũng quy định thống nhất mẫu đơn thuốc thường và đơn thuốc có chứa thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, với thông tin rõ ràng gồm mã định danh cá nhân hoặc căn cước công dân, tuổi, cân nặng (với trẻ dưới 72 tháng), tên thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng.
Đặc biệt, mỗi lượt khám chỉ được kê một đơn thuốc duy nhất, kể cả khi khám nhiều chuyên khoa, nhằm hạn chế trùng lặp, tránh tương tác thuốc bất lợi.
Riêng với thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, phải sử dụng mẫu đơn riêng, lập 3 bản có chữ ký đầy đủ và xác nhận của Trạm Y tế nơi cư trú nếu kê cho bệnh nhân ung thư. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng phải xây dựng quy trình nhận lại thuốc chưa sử dụng để tránh thất thoát.
Thông tư cũng đặt ra lộ trình bắt buộc triển khai kê đơn điện tử như: từ ngày 1/10/2025 tại các bệnh viện; từ ngày 1/1/2026 tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.
Việc kê đơn điện tử giúp giảm sai sót chuyên môn, tăng kiểm soát đối với thuốc kháng sinh, thuốc hướng thần và là nền tảng kết nối dữ liệu bệnh viện, nhà thuốc, BHXH, phục vụ thanh toán BHYT minh bạch, hiệu quả.
TP.HCM hướng dẫn triển khai đồng bộ
Ngay sau khi Thông tư được ban hành, Sở Y tế TP.HCM đã hướng dẫn các cơ sở y tế cập nhật mẫu đơn thuốc mới theo đúng quy định; xây dựng quy trình kê, cấp thuốc điều trị ngoại trú dài ngày, bảo đảm đúng đối tượng, có hồ sơ theo dõi, phù hợp quy định thanh toán BHYT.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt khi có thay đổi phác đồ giữa các đợt điều trị; chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn tất tích hợp kê đơn điện tử vào phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) đúng lộ trình.
“Đặc biệt, cần tổ chức tập huấn chuyên môn nội bộ; truyền thông đến người dân về việc kê đơn dài ngày không đồng nghĩa “cấp phát thuốc tùy ý”, mà theo đúng chỉ định của bác sĩ, giúp giảm tái khám không cần thiết”, Sở Y tế TP.HCM cho hay.
Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các bệnh viện, BHXH TP.HCM và các đơn vị liên quan giám sát chặt quá trình triển khai, nhằm bảo đảm hiệu quả chuyên môn, an toàn điều trị và quyền lợi BHYT cho người dân.
Hoài Sương