TP.HCM triền miên thiếu nguồn cung nhà ở, cách nào 'mở khóa'?

TP.HCM triền miên thiếu nguồn cung nhà ở, cách nào 'mở khóa'?
4 giờ trướcBài gốc
Thiếu hụt nhà ở suốt 5 năm
Nửa đầu năm 2025, nhiều báo cáo thị trường tiếp tục chỉ ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở tại TP.HCM - vấn đề kéo dài triền miên suốt 5 năm gần đây.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết bất động sản TP.HCM nửa đầu năm 2025 tiếp tục tình trạng thiếu nguồn cung dự án nhà ở.
Đáng quan ngại là từ năm 2021 đến nay, trong các dự án mới không còn nhà giá dưới 30 triệu đồng/m² và rất thiếu nhà ở xã hội.
Việc thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở tại TP.HCM đã triền miên suốt 5 năm gần đây. (Ảnh minh họa: Lương Ý)
Ngược lại, phân khúc nhà ở cao cấp từ năm 2020 đến năm 2023 liên tục chiếm đại đa số trên thị trường, với khoảng 70% số lượng nhà ở đưa ra thị trường hàng năm là nhà ở cao cấp.
"Từ năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, tất cả các dự án nhà ở đưa ra huy động vốn trên thị trường chỉ còn loại nhà ở cao cấp. Không chỉ không còn nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, mà nhà ở trung cấp cũng không có, dẫn đến thị trường nhà ở TP.HCM phát triển không cân bằng, không bền vững như mô hình kim tự tháp bị lộn ngược đầu”, ông Châu nói.
Giá nhà tăng liên tục trong các năm qua, cho đến nay vẫn ở mức rất cao, vượt quá khả năng tài chính của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.
6 tháng đầu năm 2025, theo HoREA, TP.HCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại với 3.353 căn nhà cao cấp đủ điều kiện huy động vốn, với tổng giá trị 10.239 tỷ đồng, không có nhà ở trung cấp, không có nhà ở giá vừa túi tiền.
Báo cáo của Savills Việt Nam cũng cho biết trong quý II/2025, TP.HCM tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở. 6 tháng đầu năm, nguồn cung sơ cấp là 6.800 căn hộ và lượng bán đạt 3.800 căn hộ.
Đáng chú ý, TP.HCM đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở trong suốt 5 năm gần đây. TP đặt mục tiêu phát triển khoảng 235.000 căn nhà mới trong giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên chỉ thực hiện được 24% chỉ tiêu và còn thiếu hụt 179.000 căn. Thiếu hụt này khiến chênh lệch cung - cầu bị nới rộng.
Nhà liền thổ tại TP.HCM cũng thiếu không kém, với nguồn cung sơ cấp nửa năm 2025 chỉ 700 căn, trong đó chỉ có 170 giao dịch.
Thị trường kỳ vọng với những thay đổi và cải tiến tích cực từ việc áp dụng luật và các chính sách mới, các thủ tục phê duyệt pháp lý đã được tinh gọn sẽ tạo nên những phát triển mới hơn cho thị trường bất động sản nhà ở tại TP.HCM. Dự kiến giai đoạn 2025-2027, TP có thêm 39.000 căn hộ.
Giá sơ cấp căn hộ tại TP.HCM dự báo có thể đạt mức 100 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2025. (Ảnh minh họa: Hà Linh)
Tương tự, theo CBRE Vietnam, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM nửa đầu năm nay đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây nhưng giá bán sơ cấp căn hộ trung bình đạt 82 triệu đồng/m2. Dự báo trong 3 năm tới, giá sơ cấp căn hộ tại TP.HCM có thể tăng tối đa 11%/năm, nhà liền thổ tăng khoảng 12%/năm.
Dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu thị trường và am hiểu Khách hàng One Mount Group, cũng cho thấy trong quý 2/2025, TP.HCM chỉ có khoảng 1.900 căn hộ mở bán mới. Nguồn cung hạn chế, nhưng lượng tiêu thụ lên tới 2.900 căn, bao gồm cả sản phẩm đã được mở bán trước đó.
Đáng chú ý, giá căn hộ trung bình tại TP.HCM quanh mức 89 triệu đồng/m², cao hơn 15% so với cùng kỳ. Ông Trần Minh Tiến, Giám đốc One Mount Group, dự báo giá căn hộ sơ cấp TP.HCM có thể đạt mức 100 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2025.
Tháo dự án "trùm mền" để có nhà giá rẻ
Theo HoREA, trong giai đoạn 2015-2023, Sở Xây dựng TP.HCM thống kê có 86 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị ngừng triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện, với quy mô sử dụng đất lên đến 964 ha và 54.051 căn hộ.
Tổng số dự án bị vướng mắc pháp lý lên đến 220 dự án, gồm 72 dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến và 148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổng hợp, trong đó có 77 dự án đã được xử lý và còn 143 dự án đang được tiếp tục xử lý.
Hàng trăm dự án bị vướng mắc pháp lý nếu không sớm được tháo gỡ để khởi động lại thì vừa rất lãng phí nguồn lực đất đai, vừa thất thu ngân sách nhà nước, vừa khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thiếu nguồn cung nhà ở, nên giá nhà khó kéo giảm trong ngắn hạn.
TP.HCM đang có hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý cần khơi thông mới có thể bổ sung nguồn cung, cải thiện mặt bằng giá nhà ở. (Ảnh: Lương Ý)
Để tăng nguồn cung nhà ở cho TP, góp phần kéo giảm giá nhà, theo ông Lê Hoàng Châu, một loạt vướng mắc rất cần được khẩn trương tháo gỡ.
Trong đó, UBND TP.HCM sớm chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát, trình Thường trực UBND, HĐND TP xem xét thông qua danh mục 371 khu đất trên địa bàn TP trước khi hợp nhất, với hơn 2.000 ha, đăng ký thực hiện dự án thí điểm theo Nghị quyết số 171 của Quốc hội.
Ngoài ra, có 245 khu đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương (cũ) đăng ký thực hiện dự án thí điểm, với tổng diện tích 1.592 ha.
Thành phố đang có khoảng 220 dự án vướng mắc pháp lý theo kết luận tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vào tháng 11/2024, rất cần các Sở, ngành khẩn trương rà soát.
Cùng với đó, 68 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn đã bị dừng triển khai hoặc chưa triển khai, theo Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 vào tháng 11/2024 cũng đang cần rà soát, đề xuất hướng xử lý.
Để thực hiện mục tiêu phát triển 100.000 căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, TP cần sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện quy trình, thủ tục đối với dự án nhà ở xã hội theo các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 201 và Nghị định số 192.
"Hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý, nếu không sớm được tháo gỡ để khởi động lại thì vừa rất lãng phí nguồn lực đất đai, vừa thất thu ngân sách nhà nước, vừa khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thiếu nguồn cung nhà ở nên giá nhà khó kéo giảm trong ngắn hạn", ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc Nghiên cứu của Savills Việt Nam, cho rằng nửa cuối năm 2025, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM có thể cải thiện hơn khi dự kiến có khoảng 8.000 căn hộ mở bán. Nếu thị trường có nhiều nguồn cung thì có thể giúp mặt bằng giá bão hòa hơn. Bởi cán cân cung cầu đang lệch quá lớn, cầu nhiều hơn cung quá nhiều khiến áp lực giá nhà liên tục leo thang.
"Thị trường bất động sản TP.HCM cần được tái cấu trúc lại, có nhiều sản phẩm ở nhiều phân khúc hơn, tại nhiều khu vực thuận lợi hơn mới kéo được giá xuống, cân bằng hơn. Giá nhà hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung sẽ được khơi thông ở đâu và mức cân bằng giá cả thế nào", bà Giang nói.
Bà Giang kỳ vọng sau sáp nhập, các thủ tục hành chính sẽ đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, các vướng mắc pháp lý lâu nay nhanh chóng được tháo gỡ để khơi thông nguồn cung. Trong đó khu lõi TP.HCM đang được khơi thông nguồn cung rất lớn, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền.
Hà Linh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/tp-hcm-trien-mien-thieu-nguon-cung-nha-o-cach-nao-mo-khoa-ar954398.html