TP.HCM triệt phá hàng loạt đường dây sản xuất thuốc, TPCN giả

TP.HCM triệt phá hàng loạt đường dây sản xuất thuốc, TPCN giả
8 giờ trướcBài gốc
Hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng bị đổ trộm ven đường ở TP.HCM hồi đầu thàng 6. Ảnh: CTV.
Trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội ngày 22/7, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố vừa xử lý 9 vụ sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả. Đây là các sản phẩm được quảng cáo điều trị các bệnh thường gặp như phong ngứa, xương khớp, trĩ, tiểu đường...
Tang vật thu giữ gồm hơn 1.100 thùng thuốc giả, gần 1.600 kg nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hàng trăm kg bao bì, tem nhãn, cùng dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.
Đáng chú ý, các đối tượng sử dụng chiêu thức "trộn hàng thật với hàng giả" để tạo niềm tin ban đầu với người tiêu dùng và nhà thuốc, từ đó dễ dàng tiêu thụ hàng kém chất lượng. Sản phẩm giả được đưa ra thị trường chủ yếu thông qua các chành xe từ TP.HCM đi miền Tây Nam Bộ, hoặc bán online trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, các cơ sở vi phạm thường hoạt động phân tán tại nhiều địa điểm nhỏ, không biển hiệu, núp bóng công ty bình phong hoặc nhà ở không số. Chúng sản xuất nhỏ lẻ, "làm đến đâu bán đến đó", giao dịch chủ yếu qua mạng xã hội và sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi nhằm che giấu tung tích.
Một số nơi còn tự thiết kế bao bì, in giả mã số đăng ký, mã QR, tem chứng nhận chất lượng… để đánh lừa người tiêu dùng, thậm chí cả nhân viên nhà thuốc. Đây là một trong những thủ đoạn mới và khó kiểm soát nhất, đặc biệt khi các đối tượng sử dụng công nghệ in ấn tiên tiến để làm giả giống đến từng chi tiết.
Từ đầu năm 2024 đến tháng 6/2025, Sở Y tế TP.HCM và các quận, huyện đã kiểm tra hơn 7.700 cơ sở kinh doanh dược phẩm, trong đó phát hiện 92 cơ sở vi phạm, bao gồm 36 trường hợp có dấu hiệu buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.
Trong lĩnh vực thực phẩm, các lực lượng chức năng cũng phát hiện một số vụ sản xuất sữa giả nhãn hiệu nổi tiếng như Abbott, Ensure, Glucerna với tổng giá trị hàng hóa hơn 14 tỷ đồng. Các cơ sở này liên tục thay đổi địa điểm, hoạt động chớp nhoáng, chủ yếu phân phối qua sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…
Trước tình trạng hàng giả ngày càng gia tăng và biến tướng, TP.HCM kiến nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hình sự, tăng mức hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm giả. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế đẩy mạnh số hóa quản lý, hoàn thiện hệ thống kiểm nghiệm, công bố công khai các cơ sở vi phạm và hỗ trợ công cụ tra cứu thông tin cho người dân.
Sở Y tế cũng cho biết đã xây dựng hệ thống quản lý vòng đời thuốc, công khai trên Cổng thông tin y tế TP.HCM, giúp người dân tra cứu thông tin hành nghề, đăng ký lưu hành, nguồn gốc sản phẩm.
Lãnh đạo các ngành chức năng cảnh báo việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng giả không chỉ không mang lại hiệu quả điều trị, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt với người cao tuổi và bệnh nhân mạn tính.
"Chúng tôi đang phối hợp liên ngành để siết quản lý từ khâu sản xuất đến phân phối, đồng thời mong muốn người dân khi mua sản phẩm nên kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, tránh ham rẻ mà rước họa vào thân", ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Nguyễn Thuận
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/tphcm-triet-pha-hang-loat-duong-day-san-xuat-thuoc-tpcn-gia-post1570826.html