TP.HCM vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: Đảm bảo việc đầu tư xây dựng dự án không bị gián đoạn

TP.HCM vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: Đảm bảo việc đầu tư xây dựng dự án không bị gián đoạn
một ngày trướcBài gốc
Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), từ ngày 1/7/2025, TP.HCM chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cấp huyện kết thúc hoạt động. Việc bỏ cấp huyện sẽ kéo theo việc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và ban bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được sắp xếp lại cho phù hợp.
Hiện tại TP.HCM có 22 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và 22 ban bồi thường, giải phóng mặt bằng trực thuộc UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức. Các ban này sẽ được tổ chức lại cho phù hợp với cơ cấu hành chính mới.
Theo phương án mới nhất do Sở Nội vụ TP.HCM trình UBND Thành phố, toàn bộ các ban quản lý dự án cấp quận, huyện sẽ được chuyển đổi thành 22 ban quản lý dự án khu vực trực thuộc Sở Xây dựng. Tương tự, 22 ban bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ được chuyển thành các ban quản lý dự án khu vực trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Mỗi ban khu vực sẽ phụ trách các dự án trên địa bàn của các quận, huyện trước đây.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án sắp xếp tạm thời. Sau khi hoàn tất việc sắp xếp bộ máy sau sáp nhập 3 tỉnh gồm TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thành TP.HCM, Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát, tham mưu UBND TP.HCM phương án tổ chức lại các đơn vị theo mô hình phù hợp, nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản nhân sự và đảm bảo đúng với định hướng của Trung ương.
Trong phương án trình UBND TP.HCM, Sở Nội vụ nêu rõ những thuận lợi và khó khăn khi chuyển đổi mô hình các ban quản lý dự án cấp quận, huyện. Trong đó, điểm thuận lợi nhất là việc tổ chức thành 22 ban quản lý khu vực sẽ không làm phát sinh tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố và cấp xã mới sau khi sắp xếp. Do đó, không phát sinh thêm bộ máy, không tăng số lượng nhân sự, đồng nghĩa với việc không làm phát sinh chi phí hoạt động, từ đó không tạo thêm gánh nặng cho ngân sách thành phố.
Hơn nữa, việc giữ nguyên trạng các ban như hiện nay sẽ không phải điều chỉnh chủ đầu tư đối với các dự án đang triển khai trong giai đoạn 2020-2025 và không cần điều chỉnh hàng loạt thủ tục liên quan khác. Điều này sẽ đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai và đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 như kế hoạch đề ra.
Việc giữ 22 ban quản lý khu vực sẽ giúp công tác tham mưu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án giai đoạn 2026 - 2030 mà Thành phố đã giao nhiệm vụ ít bị ảnh hưởng, góp phần hạn chế tối đa tình trạng chậm trễ trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 -2030.
Đặc biệt, việc giữ nguyên mô hình 22 ban quản lý dự án khu vực và 22 ban bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng không làm tăng nhân sự tại các vị trí việc làm, không làm phát sinh nhu cầu mua sắm, bổ sung trang thiết bị mới hay bố trí lại trụ sở làm việc sau khi sắp xếp.
Dù có nhiều thuận lợi, nhưng trước mắt, việc chuyển chức năng, nhiệm vụ, nhân sự của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp quận, huyện về Sở Xây dựng và các ban bồi thường giải phóng mặt bằng về Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ gây ra một số khó khăn nhất định. Trong đó, nổi bật là khó khăn trong triển khai đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình tại cơ sở, cũng như khả năng gắn kết với nhu cầu thực tế của địa phương trong việc phục vụ người dân.
Khi các ban chuyển về cấp sở, sẽ kéo theo khối lượng công việc tại các sở tăng lên đáng kể và khó bảo đảm cung ứng kịp thời nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu khác trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới.
Lê Quân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tphcm-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-dam-bao-viec-dau-tu-xay-dung-du-an-khong-bi-gian-doan-d316397.html