Điều đó đồng nghĩa với dòng chảy của mọi mặt đời sống được khai thông, tăng tốc...
Tại TP HCM những ngày cuối tháng 4-2025, phóng viên Báo Người Lao Động ghé hẻm 153 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, nơi rạch Cầu Bông chảy qua. Đây là con rạch nằm trong hệ thống rạch Xuyên Tâm và là một trong những nơi ô nhiễm nhất thành phố.
Mang tới sức sống mới
Nói tới chuyện cải tạo rạch Xuyên Tâm, ánh mắt nhiều người dân lộ rõ niềm hy vọng. Bà Nguyễn Thị Ba, cư dân hẻm 153 Điện Biên Phủ, cho hay không chỉ bà mà ai ở đây cũng vui mừng vì sắp thoát cảnh sống trong môi trường ngột ngạt khi chính quyền chuẩn bị khởi công dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm trong tháng 4.
"Chúng tôi sống chung với rác, muỗi và mùi hôi nhiều năm nay, rất khổ sở" - bà Ba kể. Bà cũng quả quyết ủng hộ chủ trương xanh hóa con rạch.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo khang trang, sạch đẹp. Ảnh: ÁI MY
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) có tổng mức đầu tư 17.230 tỉ đồng, dài 8,8 km, đi qua 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh.
Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, đến ngày 15-4, còn một số trường hợp chưa bàn giao mặt bằng thuộc gói thầu XL-03 trên địa bàn quận Gò Vấp.
Địa phương quyết tâm hoàn tất trước 30-4 để kịp khởi công chào mừng đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khởi công sau đó là 2 gói thầu XL-01, XL-02 trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Dự án cải tạo môi trường rạch bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) cũng đang chuyển động. Dự án ảnh hưởng khoảng 1.600 trường hợp, chủ đầu tư đã chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 triển khai. Dự kiến địa phương bàn giao mặt bằng trong tháng 8-2025 để khởi công dự án.
Rạch Xuyên Tâm, rạch bờ Bắc kênh Đôi khi hoàn thành sẽ giảm ô nhiễm môi trường, mang lại bộ mặt đô thị mới, sức sống mới cho dân cư sống trong khu vực.
Trong khi đó, dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) đang dần về đích. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thông tin ngày 28-4 sẽ thông xe kỹ thuật 5 đoạn thuộc 4 gói thầu với gần 4 km đường dọc kênh.
Đi qua những con đường vừa trải nhựa uốn lượn theo kênh, vốn trước đây đầy cỏ dại và dày đặc rác…, phóng viên cảm nhận rõ không khí tích cực lao động. Chúng tôi hình dung không lâu nữa, 2 bờ kênh sẽ nhộn nhịp người, xe qua lại.
Giải quyết vấn đề nước thải
Từ năm 2015, TP HCM đã khánh thành dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Nơi đây mỗi khi mưa lớn từng gây úng ngập, ảnh hưởng giao thông, ngoài ra còn ô nhiễm, tác động tới sức khỏe hàng triệu người. Vì vậy, "tái sinh" hơn 7 km kênh Tân Hóa - Lò Gốm được TP HCM xem là nhiệm vụ quan trọng.
Không khí trên công trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên luôn sôi động. Ảnh: ÁI MY
Dự án đã cải tạo cơ sở hạ tầng, thay đổi diện mạo khu vực, tăng mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng sống người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, lưu thông, vận chuyển hàng hóa… khu vực phía Tây thành phố.
Trước đó, các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé được cải tạo đã trở nên xanh mát, mở ra không gian sống lý tưởng. Đến nay, những dòng chảy này đóng góp nhiều giá trị cho kinh tế - xã hội thành phố.
Bên cạnh việc cải tạo, xanh hóa kênh rạch, TP HCM cũng đẩy mạnh đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải. Một trong những dự án lớn vừa được khánh thành là công trình mở rộng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, thuộc dự án Cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 2) với tổng kinh phí khoảng 11.300 tỉ đồng.
Nhà máy xử lý 469.000 m³ nước thải mỗi ngày này giúp xử lý nước thải cho lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.
Nhờ đó, màu xanh trên tuyến kênh đã từng bước khôi phục. Nhà máy này không chỉ là nơi xử lý nước thải mà còn được quy hoạch với hơn 10 ha cây xanh; là trung tâm huấn luyện đào tạo quan trắc môi trường, tham quan, học tập, giáo dục môi tường.
Trong giai đoạn 3, TP HCM sẽ nâng công suất xử lý của nhà máy lên 512.000 m3/ngày đêm và sẽ xử lý thêm khối lượng nước thải khu vực kênh Tẻ dọc quận 7. Qua đó, toàn bộ các tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ được trả lại màu xanh, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, giao thông thủy và nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân.
Bệ phóng phát triển
Ngoài ra, TP HCM có hai nhà máy xử lý nước thải khác là Tham Lương - Bến Cát (131.000 m³/ngày) và Bình Hưng Hòa (30.000 m³/ngày); cùng trạm xử lý nước thải trong khu dân cư có quy mô nhỏ đặt ở quận 7, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức với tổng công suất 14.200 m3/ngày.
TP HCM còn đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng. Nhà máy có công suất xử lý lên đến 480.000 m³/ngày này dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Với tầm nhìn dài hạn, theo Quyết định 1942/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, TP HCM đầu tư xây dựng 11 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất gần 3,1 triệu m3/ngày vào năm 2030. Điều này được tin tưởng không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn tạo điều kiện phát triển bền vững cho thành phố.
Ưu tiên hàng đầu
Sở Xây dựng đã có tờ trình gởi UBND TP HCM về Đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch, thực hiện chỉnh trang đô thị và Đề án di dời, bố trí nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội cho các hộ trên và ven kênh rạch kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận 8.
Theo Sở Xây dựng, từ năm 1993 đến 2025, thành phố di dời, giải phóng mặt bằng 44.338 căn nhà thuộc 4 tuyến kênh rạch chính và các chi lưu. Hiện còn 398 dự án/tuyến sông, kênh rạch chưa triển khai thuộc 16 quận, huyện và TP Thủ Đức với tổng quy mô di dời khoảng 39.600 căn nhà.
Tại buổi khảo sát, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được có nhiều chỉ đạo quan trọng. Ảnh: CHÍ NGUYÊN
Sớm hiện thực hóa khát vọng thay đổi diện mạo đô thị sông nước, hôm 15-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được đã khảo sát thực tế nhà ở ven kênh rạch ở quận 8 - nơi chiếm tỉ lệ 38% nhà trên và ven kênh rạch chưa di dời của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh rằng giải quyết vấn đề nhà ven kênh rạch có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, thúc đẩy kinh tế thành phố mà còn giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, nhất là những hộ đang gặp khó khăn.
Lưu ý đây là ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển đô thị, Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Xây dựng hoàn thiện đề án, đồng thời yêu cầu Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan tham mưu bố trí nguồn vốn…
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỉ đồng được khởi công tháng 6-2016. Dự án được triển khai theo hợp đồng BT có mục tiêu kiểm soát ngập cho khoảng 570 km2, với 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Dự án đã đạt hơn 90% khối lượng công việc. Thành phố đang khẩn trương xử lý các đầu việc trong thẩm quyền, đồng thời chờ tháo gỡ vướng mắc từ Trung ương để sớm hoàn thiện dự án, giải quyết ngập trên địa bàn.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-4
QUỐC ANH - THU HỒNG - ÁI MY