Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng QLTT TP HCM, các vi phạm chủ yếu gồm: kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 129.000 đơn vị sản phẩm gồm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm với tổng trị giá trên 8,8 tỉ đồng.
Ông Huy cho biết thêm, công tác quản lý hàng hóa trên môi trường mạng còn nhiều thách thức do tính ẩn danh, xuyên biên giới và tốc độ phát triển công nghệ. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp liên ngành và nâng cao nhận thức pháp luật cho cá nhân, doanh nghiệp là cần thiết.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương TP HCM) vừa thông tin về chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng.
“Nhiều người bán không đăng ký kinh doanh, không công khai địa chỉ, lợi dụng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để giao dịch, gây khó khăn trong xác minh và xử lý vi phạm. Hàng hóa quảng cáo trên mạng thường không đúng thực tế, thiếu nhãn phụ, hóa đơn, chứng từ. Một số hành vi vi phạm chưa có quy định xử phạt cụ thể hoặc mức phạt chưa đủ răn đe”, Phó Chi cục trưởng QLTT TP HCM nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng còn tâm lý ham rẻ, dễ bị lừa bởi quảng cáo sai sự thật, chưa có thói quen kiểm tra thông tin kỹ trước khi mua.
Để tăng hiệu quả quản lý, Sở Công Thương TP HCM đang kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp lý, siết chặt quản lý tài khoản ảo, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nâng mức phạt và tăng cường phối hợp liên ngành, liên tỉnh nhằm kiểm soát chặt hoạt động thương mại điện tử.
Xuân Trường