TP. Hồ Chí Minh: 100% cơ sở giáo dục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

TP. Hồ Chí Minh: 100% cơ sở giáo dục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt
2 giờ trướcBài gốc
Theo đó, tỷ lệ học sinh thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 đạt 81%. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, trong đó trọng tâm là thanh toán học phí và các nguồn thu hợp pháp khác phát sinh qua ngân hàng.
100% cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt
UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai kết nối hiệu quả phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu với các đơn vị thanh toán nên đã tạo được môi trường thanh toán linh động và thuận tiện cho phụ huynh. Phụ huynh học sinh đã được tiếp cận với nhiều dịch vụ đóng học phí…
Theo thống kê báo cáo từ các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, hiện nay có khoảng hơn 40 đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục (ngân hàng, đơn vị trung gian, app thanh toán, ví điện tử, web…). Từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các đơn vị thanh toán học phí, dịch vụ được nâng cấp hoàn thiện hơn.
Ngành giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh nhận định việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã thực sự đi vào cuộc sống, tỷ lệ thu phí không dùng tiền mặt tăng dần qua các năm và được dư luận phụ huynh học sinh, xã hội đánh giá cao trong thời gian vừa qua. Phụ huynh học sinh đã được tiếp cận với nhiều dịch vụ đóng học phí qua các kênh thanh toán được tích hợp với hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt giúp các trường học quản lý thông tin tài chính tập trung, tự động, điện tử hóa, không cần in ấn; quản lý nguồn tiền thu hàng ngày nhanh chóng bằng các báo cáo; loại bỏ các hình thức thủ công, viết tay dễ dẫn đến sai sót như trước đây, công tác quản lý nguồn thu được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian và nhân lực.... Tất cả thạnh toán đều được thực hiện tự động, có sự giám sát từ ngân hàng góp phần hạn chế tiêu cực, giúp giảm rủi ro trong quản lý như thất thoát, trộm cắp và rủi ro trong giao dịch tiền mặt như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền rách, tiền giả…
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, vẫn còn không ít phụ huynh học sinh có thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen tiếp cận được với hình thức thanh toán qua App hoặc qua đơn vị trung gian hoặc có tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến; còn nhiều phụ huynh học sinh không sử dụng tài khoản ngân hàng, hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin, không tin tưởng và không đồng ý thực hiện các giao dịch trực tuyến nên vẫn lựa chọn đóng tiền mặt trực tiếp tại trường cho an tâm; thanh toán không sử dụng tiền mặt qua ngân hàng, kênh thanh toán trung gian phải tốn một khoản phí dịch vụ cho các lượt giao dịch khiến một số phụ huynh không đồng tình tham gia…
Nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục phải thực hiện kết nối với các hệ thống thanh toán được cấp phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống thanh toán của cơ sở giáo dục phải bảo đảm tuân thủ các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về trao đổi dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển đa dạng hóa các kênh thanh toán; cung cấp đầy đủ thông tin các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán đang tham gia triển khai tốt dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để cha mẹ học sinh, người học an tâm khi sử dụng; tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh, người học có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác; Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có các phương án đề nghị các ngân hàng và các đơn vị thanh toán trung gian phối hợp hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp xây dựng biểu phí dịch vụ thống nhất, phù hợp và ổn định trong một thời gian nhất định (có thể giảm đến mức thấp nhất hoặc miễn phí như các khoản thanh toán điện, nước, điện thoại hiện nay).
Ngọc Hậu
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-100-co-so-giao-duc-trien-khai-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-157906.html