Bản quản lý chung cư Scenic Valley (Quận 7) căng biển cảnh báo không cho phép kinh doanh lưu trú ngắn hạn để đảm bảo an ninh trật tự cho cư dân sinh sống tại đây.
Tranh cãi từ lệnh cấm cho thuê Airbnb
Thời gian gần đây, nhiều chung cư tại TP Hồ Chí Minh lần lượt thông báo cấm hoặc dừng hoạt động cho thuê ngắn hạn qua các nền tảng như Airbnb. Trong đó, gây chú ý nhất là thông báo số 252/2025 của Ban quản lý Khu đô thị V.C.P (quận Bình Thạnh), nơi có hơn 10.000 căn hộ. Theo đó, từ ngày 15/3/2025, hoạt động cho thuê ngắn hạn sẽ bị chấm dứt.
Tuy nhiên, do vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ các chủ hộ, thời hạn này sau đó đã được lùi lại đến 15/5/2025. Lý do đưa ra là “đảm bảo an ninh và chất lượng cuộc sống của cư dân”. Song nhiều cư dân cho rằng, đây là hành động đơn phương, không thông qua thảo luận dân chủ và xâm phạm quyền sử dụng tài sản của họ.
Chị L. T. H, sinh sống tại chung cư V.C.P cho biết: “Tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để trang bị nội thất, thiết bị phục vụ khách thuê Airbnb. Nếu đột ngột bị cấm mà không có lộ trình, tôi sẽ gánh lỗ nặng. Chúng tôi không phản đối quy định, nhưng cần một hành lang pháp lý rõ ràng thay vì cấm đoán như vậy”.
Không riêng V.C.P, nhiều chung cư khác như: Scenic Valley (Quận 7), Goldview (Quận 4)... cũng đang chịu áp lực từ sự phát triển “nóng” của hoạt động cho thuê ngắn hạn. Tranh cãi leo thang khi lợi ích giữa các nhóm cư dân, người cho thuê và người cư trú lâu dài trở nên đối lập.
Đại diện ban quản trị Scenic Valley cho biết: “Khu chúng tôi có 1.200 căn hộ thì có tới 100 căn cho thuê Airbnb, chủ yếu là khách nước ngoài. Nhiều người ra vào liên tục, không đăng ký tạm trú, ảnh hưởng đến kiểm soát an ninh và văn hóa sinh hoạt tại đây. Chưa kể, một số khách thuê còn gây ồn ào ban đêm, tụ tập ăn nhậu tại khu vực công cộng, vi phạm quy định nội khu.
“Chung cư giờ như khách sạn, người dân không còn cảm giác sống trong không gian an cư đúng nghĩa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và giá trị tài sản của cư dân thực sự sống tại đây”, chị N.H.Q, cư dân sinh sống tại chung cư Scenic Valley, Quận 7 nói.
Chung cư Goldview (Quận 4) cũng gặp tình trạng tương tự. Anh Vũ Đình Tuấn, cư dân sinh sống tại đây cho biết, hệ thống tiện ích công cộng như hồ bơi, gym, thang máy đều quá tải vào cuối tuần do lượng khách lưu trú tăng mạnh. “Chờ thang máy giờ mất đến 15 - 20 phút, thay vì 5 phút như trước. Cảm giác rất bức xúc vì mất quyền lợi sử dụng dịch vụ”, anh Tuấn phản ánh.
Quản lý hay cấm đoán?
Trong khi mâu thuẫn giữa các nhóm cư dân chưa có lời giải, giới chuyên gia cho rằng cấm đoán không phải hướng đi lâu dài. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, loại hình Airbnb nếu được quản lý tốt sẽ trở thành một kênh lưu trú hợp pháp, góp phần tăng nguồn cung cho ngành du lịch và thu ngân sách từ thuế.
Câu chuyện quản lý Airbnb tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đi đến hồi kết. Tuy nhiên, qua tranh cãi giữa các nhóm cư dân, có thể thấy rằng vấn đề nằm ở cách thức thực thi và quản lý chứ không đơn giản là cấm hay không cấm. Một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, đồng thời có sự tham gia của cư dân, những người chịu tác động trực tiếp, chính là chìa khóa để tháo gỡ nút thắt này một cách hài hòa.
“Tôi cho rằng thay vì cấm, cần đưa ra quy chuẩn quản lý cụ thể: Đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, đảm bảo an ninh trật tự và nghĩa vụ tạm trú. Cấm đoán chỉ vì lo ngại mất kiểm soát là đi ngược xu thế hiện đại”, ông Châu nói.
Tương tự, chuyên gia kinh tế TS Lê Bá Chí Nhân cho biết, Airbnb không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, mà còn kích thích tiêu dùng tại địa phương. Khách Airbnb thường chi tiêu mạnh vào các dịch vụ xung quanh như quán ăn, cửa hàng tiện lợi… Đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, nếu cấm đột ngột, hàng ngàn người đầu tư vào căn hộ cho thuê sẽ bị thiệt hại lớn.
“Nhiều người vay ngân hàng để đầu tư mô hình này. Nếu cấm, họ sẽ rơi vào tình trạng vỡ phương án tài chính, kéo theo hệ lụy đến chuỗi lao động từ dọn phòng, bảo trì đến dịch vụ đặt phòng. Không chỉ người dân mất thu nhập, thành phố cũng đánh mất cơ hội thu hút du khách giá trị cao, đặc biệt là khách gia đình hoặc lưu trú dài ngày, nhóm mà khách sạn truyền thống không đáp ứng linh hoạt bằng”, ông Chí Nhân phân tích.
Thực tế, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… đã từng trải qua tranh cãi tương tự nhưng đều hướng tới mô hình quản lý thay vì cấm triệt để. Điểm chung là yêu cầu đăng ký kinh doanh, giới hạn số ngày cho thuê, kiểm soát an ninh và có sự phân định rõ khu vực cho phép.
Theo ông Chí Nhân, tư duy không quản được thì cấm đã được Thủ tướng và Tổng Bí thư yêu cầu loại bỏ. TP Hồ Chí Minh nên tận dụng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù để thí điểm mô hình quản lý Airbnb. Đây là cơ hội để vừa đảm bảo quyền lợi cư dân, vừa thúc đẩy du lịch và kinh tế đô thị phát triển.
Các cư dân cần minh bạch khi triển khai việc cấm mô hình cho thuê ngắn ngày.
Hiện nay, nhiều cư dân tại TP Hồ Chí Minh cũng cùng nhau kiến nghị chính quyền làm rõ cơ sở pháp lý của các lệnh cấm. Theo phản ánh của nhiều cư dân tại TP Hồ Chí Minh, không ít ban quản lý và ban quản trị chung cư ra thông báo cấm nhưng chưa dẫn chứng văn bản pháp luật cụ thể, tạo ra tâm lý bất an cho các chủ hộ. Vì vậy, có thể cho phép tiếp tục hoạt động cho thuê ngắn hạn trong vòng 6 tháng đến 1 năm, trong khi chờ thành phố ban hành khung pháp lý cụ thể. Đây cũng là thời gian để người đầu tư có thể điều chỉnh kế hoạch tài chính hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp.
“Chúng tôi không phản đối quy định nhưng cần minh bạch, công bằng và có thời gian thích nghi. Mọi thay đổi nên có sự tham vấn cộng đồng cư dân chứ không thể quyết định trên bàn giấy rồi áp dụng cứng nhắc”, chị L.T.H, cư dân sinh sống tại khu V.C.P nói.
Trong bối cảnh mô hình căn hộ cho thuê lưu trú ngắn ngày ngày càng phổ biến, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành hành quyết định số 26/2025 về quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có nội dung đáng chú ý về việc siết chặt hoạt động cho thuê lưu trú du lịch trong chung cư. Theo đó, việc khai thác căn hộ làm cơ sở lưu trú du lịch trong nhà chung cư phải tuân thủ các điều kiện cụ thể. Căn hộ được phép kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phải thuộc dự án nhà chung cư có chức năng hỗn hợp, còn gọi là căn hộ du lịch. Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về du lịch, đồng thời tuân thủ đầy đủ quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có trách nhiệm đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú cho khách du lịch là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định hiện hành. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra quy định về hoạt động cho thuê căn hộ chung cư để ở, yêu cầu việc cho thuê phải đúng mục đích sử dụng, tuyệt đối không được sử dụng căn hộ vào mục đích khác. Chủ sở hữu và người thuê phải ký hợp đồng thuê nhà, tuy nhiên không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực…
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc