Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) và các ngân hàng tổ chức chiều 6/1. (Nguồn: Tuổi trẻ)
Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi đưa ra tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) và các ngân hàng tổ chức chiều nay (6/1).
Ông Phan Văn Mãi cho biết, tính đến cuối năm 2024, quy mô Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng.
Với mục tiêu tăng trưởng thấp nhất là 10% trong năm 2025, TP. Hồ Chí Minh cần huy động nguồn vốn đầu tư khoảng 620.000 tỷ đồng; trong đó đầu tư công khoảng 110.000 tỷ đồng, còn lại là phải huy động ngoài ngân sách trên 510.000 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ, trong nguồn vốn ngoài ngân sách, nhu cầu vốn của thành phố từ hệ thống ngân hàng vào khoảng 370.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và từ các nguồn khác như kiều hối, HFIC…
"Do đó, TP. Hồ Chí Minh phải tập trung huy động được 620.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2025 thì mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt hai con số mới khả thi. Ngoài vốn đầu tư, còn có những khía cạnh khác sẽ tác động vào tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực mới", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Hiện tại, thành phố mong muốn huy động các nguồn vốn lớn, tập trung vốn đầu tư phát triển các đường vành đai, phát triển hệ thống đường sắt đô thị, cùng với đó là định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh... nhằm tạo ra các không gian phát triển mới cho thành phố.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Nhật Thịnh)
Với vai trò là một tổ chức tài chính công ngoài ngân sách của thành phố, HFIC được phân công là đầu mối triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất được bố trí từ vốn đầu tư công đối với các dự án thuộc các lĩnh vực gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2015-2021.
Sau 2 năm gián đoạn, chương trình được tái khởi động vào cuối năm 2023, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững.
Do đó, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sự hợp tác, đồng hành của các tổ chức tín dụng cùng với HFIC trong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất của thành phố là rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vốn tài trợ các dự án đầu tư của doanh nghiệp, tạo nên hệ sinh thái tài chính toàn diện, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Về phần mình, ông Trương Tuấn Anh, Tổng giám đốc HFIC cho biết, để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, HFIC đã làm việc với các tổ chức tín dụng, nghiên cứu cơ chế phù hợp và thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác cùng đồng hành để thực hiện các nhiệm vụ vì mục tiêu phát triển của thành phố.
Cụ thể, hai bên cùng tài trợ các dự án thuộc chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, thông qua cơ chế cho vay hợp vốn; hợp tác huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển hạ tầng của thành phố, tham gia đầu tư trái phiếu chính quyền địa phương, giới thiệu trái phiếu của thành phố đến các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính….
Đồng thời, nghiên cứu và triển khai các cơ chế tài chính phù hợp, mở rộng cơ hội huy động vốn trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trên địa bàn.
“Thỏa thuận hợp tác dựa trên cơ sở phát huy khả năng, lợi thế, và mở rộng cơ hội kết nối, phát huy tiềm lực của các bên. Về phía HFIC sẽ không ngừng nâng cao năng lực quản trị, đổi mới phương pháp làm việc để hợp tác với các đối tác một cách hiệu quả, nhằm đạt được những kết quả bền vững”, ông Trương Tuấn Anh cho biết.
Thông qua lễ ký kết này, HFIC mong muốn các Tổng công ty, các doanh nghiệp của thành phố có thể nghiên cứu tham gia chương trình vay vốn hỗ trợ lãi suất và và tiếp tục cùng hợp tác trong thời gian tới.
Ông Trương Tuấn Anh nói: "Điều này không chỉ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của từng đơn vị mà còn chung tay tạo lập những bước đi chiến lược cùng phát triển thành phố trong thời gian tới".
(theo TTXVN)