Dây chuyền sản xuất thiết bị cơ khí của doanh nghiệp tại TPHCM. Ảnh: Sơn Nam
Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực so với kỳ vọng.
Từ đầu năm đến ngày 20/10/2024, TP.HCM cấp phép 42.167 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 321.523 tỷ đồng, giảm 1,2% về giấy phép và giảm 16,8% về vốn (so sánh với cùng kỳ năm 2023).
Đáng chú ý, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 2,4% nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 6,5%.
Theo cảnh báo từ các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của xung đột các nước trên thế giới, thị trường liên tục có nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn chậm hoặc chưa tiếp cận được nguồn vốn vay; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả; giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics cao… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số doanh nghiệp rời bỏ, rút lui khỏi thị trường trong thời gian gần đây.
Chuỗi cửa hàng, siêu thị bán lẻ hàng hóa của Saigon Co.op, TP.HCM. Ảnh: Sơn Nam
Đề cập đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, thời điểm cuối năm 2024 có nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã có đơn hàng cho quý I/2025. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp áp lực vì bị ép giá, biên lợi nhuận mỏng nên nếu gặp sự cố thì sẽ không có lãi. Mặt khác, hàng hóa muốn xuất khẩu phải đạt các tiêu chí xanh, số, giao dịch phải có nguồn gốc, dễ truy xuất.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, TP.HCM là đô thị đặc biệt, luôn luôn thu hút cộng đồng doanh nghiệp đến làm ăn nhưng chỉ số cấp phép doanh nghiệp và vốn đăng ký đều giảm liên tục trong thời gian qua. Theo đó đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ban, ngành liên quan của thành phố cần tập trung làm rõ các chỉ số có chiều hướng giảm, đề ra giải pháp khắc phục, không để tiếp tục giảm trong 2 tháng còn lại của năm 2024.
Gia Cư