Theo thống kê đến giữa năm 2025, Bình Dương có hơn 30 KCN với diện tích 12.670 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 100%, và dự kiến mở rộng lên 25.000 ha vào năm 2050. Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu 13 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 7.200 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 68%, và quy hoạch phát triển 24 KCN với tổng diện tích gần 16.000 ha đến năm 2050. TP. Hồ Chí Minh (cũ) có 17 khu chế xuất, KCN hiện hữu và sẽ phát triển thêm 14 KCN mới, nâng tổng diện tích KCN của thành phố lên hơn 8.369 ha. Tổng cộng, theo quy hoạch, siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có gần 25.000 ha KCN hiện hữu và dự kiến phát triển lên gần 50.000 ha vào năm 2050.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và KCN TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, thành phố sẽ tiếp tục phát triển 14 KCN mới theo lộ trình. Cụ thể, giai đoạn 2025-2027, phát triển KCN Phạm Văn Hai I (379 ha), KCN Phạm Văn Hai II (289 ha), KCN Vĩnh Lộc 3 (200 ha) và KCN Nhị Xuân (199 ha). Giai đoạn 2027-2030, phát triển KCN An Phú (328 ha), KCN Trung An (300 ha), KCN Lê Minh Xuân 4 (200 ha), KCN Phạm Văn Hai III (238 ha) và KCN Hiệp Phước 3 (500 ha). Giai đoạn 2030-2033, phát triển KCN Tân Phú Trung 2, Tân Phú Trung 3, Tân Phú Trung 4 với tổng diện tích 600 ha, KCN Bình Khánh 1 (300 ha) và Bình Khánh 2 (300 ha).
Hepza đang phối hợp với các công ty phát triển hạ tầng KCN nghiên cứu đề án chuyển đổi thí điểm tại 5 khu chế xuất, KCN hiện hữu như Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu. Mục tiêu là chuyển đổi sang các mô hình hiện đại hơn như KCN công nghệ cao, KCN sinh thái, KCN-đô thị-dịch vụ hoặc trung tâm logistics. Đây được xem là cơ hội để các khu chế xuất, KCN phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp của thành phố.
Ông Lê Văn Thinh, Trưởng ban Hepza cho biết, việc sáp nhập 3 địa phương thành siêu đô thị tạo ra một thực thể kinh tế - xã hội quy mô vượt trội, với thế mạnh về tài chính, thương mại và hạ tầng. Mục tiêu của các KCN tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới là năng suất đầu tư bình quân đạt từ 8 đến 10 triệu USD/ha, với diện tích đất đủ điều kiện cho thuê dao động lên đến 6.500-6.800 ha. Thành phố sẽ tập trung thu hút các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao và tác động lan tỏa mạnh.
TP. Hồ Chí Minh cũng định hướng mở rộng không gian phát triển các KCN mới, xây dựng hạ tầng hiện đại gắn với các khu đô thị công nghiệp tích hợp đầy đủ tiện ích xã hội. Mục tiêu là tạo ra môi trường sống và làm việc đạt chuẩn quốc tế, qua đó thu hút chuyên gia nước ngoài và lực lượng lao động chất lượng cao trong nước.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Portcoast nhận định, lợi thế của cảng Cái Mép - Thị Vải là khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 250.000 tấn, dễ dàng kết nối với Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh mới và miền Tây Nam Bộ thông qua các tuyến đường hiện hữu và các vành đai đang hình thành. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong KCN phát triển mạnh.
Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật, ông Phan Minh Toàn Thư, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc góp ý, thành phố cần phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội xung quanh KCN như khu dân cư, nhà ở cho công nhân và chuyên gia, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, và các thiết chế văn hóa. Đây là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân nhà đầu tư lâu dài.
Minh Lâm