Ngày 24/7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực.
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết TP Hồ Chí Minh đang đối mặt áp lực lớn trong thu gom, xử lý và tái chế chất thải. Trung bình mỗi ngày, thành phố phát sinh khoảng 14.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó gần 99% được thu gom. Tuy nhiên, khoảng 60% lượng rác thải vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tỷ lệ đốt, tái chế và compost còn hạn chế.
Thành phố hiện có 4 khu xử lý chất thải tập trung với tổng diện tích trên 1.670ha, trong đó có 3 khu chính: Đông Thạnh (Hóc Môn), Gò Cát (Bình Tân) và Đa Phước (Bình Chánh). Ngoài ra, TP cũng đang quy hoạch thêm 3 khu xử lý chất thải mới với quy mô khoảng 750ha tại Củ Chi và Cần Giờ. Những khu vực này dự kiến ứng dụng công nghệ đốt hiện đại, giảm dần lệ thuộc vào hình thức chôn lấp truyền thống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan.
Một trong những khó khăn đáng kể hiện nay là tiến độ phân loại chất thải rắn tại nguồn vẫn chậm, chủ yếu do hạ tầng thu gom chưa đồng bộ, công nghệ xử lý còn manh mún và thiếu kết nối. TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án mới nhằm tái khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn theo hướng tích hợp các giải pháp công nghệ, cải tiến mô hình thu gom – vận chuyển.
Lãnh đạo UBND TP cũng đề xuất Trung ương sớm bố trí nguồn lực để cải thiện hệ thống xử lý nước thải, hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường, ban hành định mức biên chế cho lĩnh vực môi trường ở cấp xã, phường. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch, xử lý chất thải mới như pin xe điện, thiết bị điện tử, chất thải công nghiệp phát sinh từ đô thị hiện đại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận nỗ lực chuyển mình trong tư duy quản trị môi trường của TP Hồ Chí Minh, đồng thời đề nghị thành phố tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và công nghệ sinh thái trong xử lý ô nhiễm và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
“Không chỉ là nhiệm vụ quản lý, bảo vệ môi trường phải trở thành động lực đổi mới mô hình tăng trưởng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được tiếp thu ý kiến phát biểu của Đoàn giám sát.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, TP cam kết triển khai đồng bộ các giải pháp từ thể chế, nguồn lực đến tổ chức thực hiện, nhằm đưa môi trường trở thành một trong những trụ cột phát triển bền vững. Trong đó, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng giúp nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động môi trường đô thị trong dài hạn.
Đức Phương