Kiểm soát chặt thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc
Thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là vấn đề đáng lo ngại tại TP. Hồ Chí Minh. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh xác định đây là một trong những mối nguy cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và làm xói mòn niềm tin vào môi trường kinh doanh chân chính.
Lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra và phát hiện một số gian hàng bày bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại chợ Bình Tây. Ảnh: Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh
Tình trạng này xuất hiện ở nhiều phân khúc thị trường, từ thực phẩm tươi sống, đóng gói sẵn đến các loại đường, gia vị, đồ uống… Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hành vi vi phạm phổ biến gồm: Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng nguyên liệu hết hạn hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong chế biến; vi phạm quy định về nhãn mác, điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất, bảo quản và lưu thông.
Các điểm nóng về vi phạm thường tập trung tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, kho chứa hàng hóa và đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, nơi các đối tượng lợi dụng tính ẩn danh và quy mô giao dịch rộng khắp để hoạt động một cách tinh vi, khó kiểm soát.
Trả lời phóng viên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều việc vi phạm. Cụ thể, cơ quan chức năng đã xử phạt một cơ sở kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 25 triệu đồng; tạm giữ và tiêu hủy 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh tại TP. Thủ Đức có tổng trị giá gần 4,5 tỷ đồng; phát hiện 7 tấn đường nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại quận 12…
Đặc biệt, thông qua giám sát trên mạng xã hội, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh hơn 1 tấn thịt khô bò không rõ nguồn gốc, xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm. Đây là minh chứng cho việc TP. Hồ Chí Minh đang chủ động chuyển hướng ứng dụng công nghệ để kiểm soát hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Thực hiện chỉ đạo cao điểm về kiểm tra các mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm, dược phẩm và sữa, các đội quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân kiểm tra. Chiều 14/5/2025, lực lượng chức năng kiểm tra một điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây và phát hiện hàng chục hộp yến sào tinh chế không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, trị giá gần 60 triệu đồng. Cùng ngày, một cơ sở tại quận 8 cũng bị phát hiện đang bày bán hơn 100 gói bột thực phẩm trôi nổi được rao bán trực tuyến.
Để kiểm soát hiệu quả tình trạng này, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường hậu kiểm tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng hóa và cơ sở chế biến thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm và các cơ quan liên quan để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của người dân tiếp tục được duy trì thường xuyên, góp phần tăng tính phản ứng nhanh và hiệu quả xử lý trên thực tế.
Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, TP. Hồ Chí Minh chủ động kiểm soát hàng hóa trên không gian mạng. Sở Công Thương cũng đã tham mưu hoàn thiện các quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát tài khoản ảo và nâng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe. Đồng thời, phối hợp liên ngành - liên tỉnh để xử lý các đối tượng điều hành từ xa, từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài lợi dụng nền tảng kỹ thuật số để phân phối hàng không rõ nguồn gốc về TP. Hồ Chí Minh.
Công tác tuyên truyền được triển khai quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người bán lẫn người tiêu dùng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử được khuyến cáo tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, trong khi người tiêu dùng được hướng dẫn nhận biết hàng thật - hàng giả và khuyến khích tố giác hành vi gian lận.
Kiểm soát chặt thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, TP. Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng kiểm soát các mặt hàng có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Trước thực trạng các đối tượng buôn bán các mặt hàng này ngày càng tinh vi, ẩn nấp trong hệ thống phân phối và cả thương mại điện tử, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo đó, Sở Y tế và Ban Quản lý An toàn thực phẩm được giao chủ trì kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm. Các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, các đơn vị này sẽ phối hợp với Công an thành phố để điều tra, triệt phá các đường dây sản xuất kinh doanh hàng giả, đảm bảo xử lý tận gốc vấn đề.
Về phía Sở Công Thương, công tác kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường tiếp tục được đẩy mạnh tại các kênh phân phối chính thống như siêu thị, đại lý và nền tảng thương mại điện tử. Song song đó, Sở Văn hóa và Thể thao có nhiệm vụ tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
UBND thành phố cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, không chỉ tập trung vào xử lý vi phạm mà còn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa. Mục tiêu là tạo dựng một thị trường minh bạch, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, quyền lợi người tiêu dùng và duy trì đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thành phố.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang phát triển và chuẩn bị đưa vào vận hành hệ thống phân tích dữ liệu giao dịch thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ công tác thanh - kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Đây là một phần trong kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả từ ngày 15/5 đến 15/6/2025.
Thanh Minh