TP. Hồ Chí Minh: Đồng loạt khởi công, khánh thành nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm

TP. Hồ Chí Minh: Đồng loạt khởi công, khánh thành nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm
9 giờ trướcBài gốc
Phía bên ngoài Nhà ga hành khách T3. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Sáng 19/4, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư tổ chức khởi công, khánh thành 4 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Các dự án gồm Khánh thành công trình Xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, khởi công Dự án Vành Đai 2 TP. Hồ Chí Minh (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).
Ghi nhận tại lễ thông xe kỹ thuật Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 (Km3+420) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Km21+850). Đoạn tuyến phía tây này đi qua 2 tỉnh, thành phố là Long An (huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc) và TP. Hồ Chí Minh (huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè). Việc khai thác toàn bộ đoạn tuyến phía tây từ nút giao TP. Hồ Chí Minh-Trung Lương (Km0+600) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Km21+850) dài hơn 21 km góp phần quan trọng giảm tải lưu lượng cho khu vực đầu TP. Hồ Chí Minh cũng như kết nối với tỉnh Long An.
Đặc biệt qua tuyến cao tốc này còn kết nối khu vực miền Tây với cụm cảng Hiệp Phước, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và giao thương hàng hóa thay vì di chuyển qua TP. Hồ Chí Minh, nhất là giải tỏa ùn ứ ở các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ.
Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hoàn thiện xuyên qua rừng ngập mặn được coi là đoạn đường đẹp nhất dự án. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc bắc-nam do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam(VEC) làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài toàn tuyến là 57,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Long An (2,7 km), TP. Hồ Chí Minh (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km).
Dự án có tổng mức đầu tư là 29.587 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn: vay JICA, vay ADB, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và vốn VEC thu xếp.
Trong sáng nay, nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cũng chính thức khánh thành sau hơn 2 năm thi công. Nhà ga T3 có vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư, khởi công từ ngày 24/12/2022 và về đích sau gần 28 tháng.
Ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, 7.000 hành khách/giờ cao điểm, quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2. Dự án cũng có hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm hai tầng hầm, 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng là 130.000 m2.
Để kết nối vào nhà ga T3, TP. Hồ Chí Minh hôm nay cũng cho thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, quận Tân Bình nhằm khai thác đồng bộ giữa các công trình. Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa khởi công vào cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng với quy mô dài hơn 4 km, rộng 29,5-48 m, có 6 làn xe, kết nối thêm hai nhánh đường 18E và C2 rộng 3-4 làn xe.
Ngoài ra, trên tuyến xây dựng cầu vượt trước nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dài 980 m, rộng 17m với 4 làn xe, hai hầm chui là Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện dài 42 m, rộng 9 m với hai làn xe và Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý dài 35 m, rộng 9 m với hai làn xe.
Khi đưa vào khai thác toàn tuyến, đường nối không chỉ giúp người dân tiếp cận nhà ga T3 một cách thuận tiện từ nhiều hướng như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch mà còn góp phần chia tải áp lực giao thông ở cửa ngõ sân bay là điểm thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.
Dịp này, TP. Hồ Chí Minh cũng đã khởi công hai gói thầu quan trọng rà phá bom mìn, di dời hạ tầng kỹ thuật hai dự án đoạn 1 và 2, thuộc tuyến Vành đai 2-TP. Hồ Chí Minh. Hai đoạn vành đai này nằm trên địa bàn thành phố Thủ Đức, tổng chiều dài 6 km, tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 2 được đầu tư xây dựng theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 xây dựng đường song hành hai bên trong lộ giới quy hoạch 67m, vỉa hè 2 bên có bề rộng 6m/mỗi bên; đường song hành 2 bên có 3 làn xe/mỗi bên, dải đất dự trữ ở giữa rộng 31m. Giai đoạn này sẽ xây dựng nút giao thông Bình Thái theo dạng hoa thị hoàn chỉnh, kết hợp xây dựng cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp, các hầm chui trên đường song hành Võ Nguyên Giáp để đảm bảo lưu thông liên tục của tuyến song hành qua nút giao.
Xây dựng nút giao thông với đường D2, Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú theo thiết kế giao bằng; tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu giao thông kết hợp với đảo dẫn hướng. Xây dựng nút giao thông khác mức Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn chỉnh, xây dựng hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch 67m; trong đó, ưu tiên xây dựng tuyến chính 6 làn xe trong phần đất dự trữ ở giữa. Cả hai công trình dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2027.
Linh Sơn/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-dong-loat-khoi-cong-khanh-thanh-nhieu-cong-trinh-ha-tang-giao-thong-trong-diem/370694.html