TP Hồ Chí Minh dự kiến bố trí 3.000 trạm sạc để chuyển đổi xe xăng sang xe điện

TP Hồ Chí Minh dự kiến bố trí 3.000 trạm sạc để chuyển đổi xe xăng sang xe điện
8 giờ trướcBài gốc
Hệ thống trạm sạc xe buýt điện tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Tuấn
Liên quan đến bài viết: "TP Hồ Chí Minh: Cần chính sách hỗ trợ khi chuyển đổi dùng xe máy điện" mà Báo Hànôịmới đã phản ánh trước đó, ngày 21-7, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, hiện thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 600 điểm sạc công cộng, đáp ứng dưới 10% nhu cầu dự kiến cho 350.000 đến 400.000 xe điện hai bánh trong tương lai.
Mặt khác, các trạm sạc này chủ yếu do một số doanh nghiệp tư nhân như VinFast, Selex, MBI thực hiện. Nhà nước gần như chưa tham gia đầu tư vào xây dựng mạng lưới trạm sạc cho xe điện.
Trong khi đó, quỹ đất dành cho trạm sạc xe điện nói chung và xe điện hai bánh nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là trong khu vực nội thành, nơi có giá trị đất cao. Hạ tầng giao thông tĩnh cũng chưa đáp ứng kịp, thiếu bến bãi, chỗ đậu và trạm sạc riêng cho xe cá nhân trong đô thị đông đúc.
Ngoài ra, các điểm sạc hiện tại chưa đáp ứng tốt nhu cầu tài xế công nghệ không gần nơi nghỉ, ăn uống, giao hàng, khiến việc tiếp cận bất tiện và tốn thời gian.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển đổi 400.000 xe máy sử dụng xăng của tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện. Ảnh: M.Tuấn
Để giải bài toán hạ tầng, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị chính quyền thành phố sớm hoàn thiện quy hoạch giao thông tĩnh, mở rộng diện tích bến bãi và đầu tư công vào hệ thống trạm sạc; mặt khác, triển khai cơ chế liên ngành để nhanh chóng ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tiêu chuẩn kỹ thuật và hỗ trợ bảo trì hạ tầng.
Trong dự thảo đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện đã đặt ra mục tiêu đến tháng 12-2028 sẽ hình thành 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng, đảm bảo mỗi trạm phục vụ trong bán kính dưới 800m tại khu vực nội thành và dưới 2km dọc các trục logistics liên tỉnh.
Những địa điểm như cây xăng, công viên, nhà chờ xe buýt, bãi xe công cộng… sẽ được đưa vào danh mục ưu tiên bố trí trạm sạc. Đồng thời, thành phố khuyến khích triển khai tại các quán cà phê, siêu thị tiện lợi.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp ngành điện đảm bảo cung cấp nguồn ổn định cho hệ thống trạm sạc, nâng cấp lưới điện tại các khu vực có nguy cơ quá tải, đồng thời áp dụng biểu giá linh hoạt để khuyến khích người dân sạc xe vào giờ thấp điểm. Thành phố cũng tính đến việc tích hợp điện mặt trời để tăng tính bền vững và tiết kiệm.
Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất mô hình phân lớp điểm sạc, gồm: Trạm sạc nhanh (≥ 60 kW) tại các bãi dừng lớn; trạm đổi pin tốc độ cao (≤ 90 giây) tại các điểm giao hàng trọng yếu; trạm sạc chậm (3,3 kW) lắp tại nhà xe chung cư, phục vụ ban đêm.
Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai trạm sạc tích hợp đa phương tiện (gồm sạc nhanh DC ≥ 60kW, sạc chậm AC 3,3-11kW và tủ đổi pin 1-2kW) tại các nút giao thông, trên quỹ đất công.
Viện cũng đề xuất thành phố Hồ Chí Minh quy định mọi dự án nhà ở mới phải tích hợp điểm sạc xe điện với tỉ lệ tối thiểu 1 điểm/20 chỗ đậu xe, trong đó 35% diện tích đỗ xe phải có hạ tầng sạc.
Xe buýt điện tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Tuấn
Để mở rộng hạ tầng phục vụ cho việc chuyển đổi toàn bộ xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh sang xe điện hoặc nhiên liệu thân thiện môi trường, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đang phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư 19 trạm sạc lớn phục vụ xe buýt điện, tận dụng quỹ đất tại các bến bãi sẵn có. Các trạm này nhằm đáp ứng nhu cầu của gần 700 xe điện thuộc 47 tuyến buýt trợ giá, dự kiến vận hành đồng loạt từ năm 2027. Kinh phí đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Vị trí các trạm được bố trí từ trung tâm đến vùng ven, tại các đầu mối giao thông như: Bến xe buýt Sài Gòn, Chợ Lớn, Văn Thánh, Bình Thái và các khu vực Tân Phú, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ... Phần lớn các địa điểm này đang có chức năng bến xe, bãi hậu cần, sẵn hạ tầng cơ bản và sẽ bố trí diện tích cho xây dựng trạm sạc khoảng 50m2 đến gần 800m2.
Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh), mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 sẽ có 100% phương tiện vận tải công cộng hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh được thay thế bằng xe điện hoặc các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Minh Tuấn
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-du-kien-bo-tri-3-000-tram-sac-de-chuyen-doi-xe-xang-sang-xe-dien-709907.html