TP Hồ Chí Minh gỡ 'nút thắt' để du lịch bật mạnh

TP Hồ Chí Minh gỡ 'nút thắt' để du lịch bật mạnh
một giờ trướcBài gốc
Sau sáp nhập, TP Hồ Chí Minh trở thành siêu đô thị có biển, rừng, núi, sông, điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch đa dạng, toàn diện. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh thật sự, thành phố cần sớm tháo gỡ những “nút thắt” từ quy hoạch hạ tầng, thủ tục hành chính đến truyền thông điểm đến.
Mở rộng địa giới hành chính là cơ hội để TP Hồ Chí Minh phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định, thành phố đang tập trung rà soát, phân vùng phát triển du lịch theo đặc điểm từng khu vực, ưu tiên sản phẩm đặc thù, gắn với định vị thương hiệu “TP Hồ Chí Minh mở rộng - Điểm đến đa sắc màu, năng động và an toàn”. Việc tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng, thủ tục, dữ liệu số là nhiệm vụ song hành.
Sở Du lịch đang phối hợp với các địa phương sáp nhập (tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) tổ chức lại hệ thống điểm đến, thiết lập hành lang du lịch ven biển và sông nước, định hướng phát triển cụm sản phẩm theo các “trục trải nghiệm”: Du lịch văn hóa - lịch sử (khu trung tâm), du lịch biển - nghỉ dưỡng (Cần Giờ, Vũng Tàu, Côn Đảo), du lịch sinh thái - nông nghiệp (phía Bắc - Đông Bắc) và du lịch hội nghị - công nghiệp (Thủ Đức, Bình Dương).
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, sau sáp nhập, doanh nghiệp đang lúng túng vì chưa có hướng dẫn thống nhất trong thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên hay triển khai các tour liên vùng. Dữ liệu số đã có nhưng chưa đồng bộ, nhiều thủ tục vẫn yêu cầu hồ sơ giấy gây chậm trễ và tăng chi phí.
Ngoài ra, hiện tượng đầu cơ vé máy bay, phòng khách sạn tại Côn Đảo - một điểm đến mới thuộc TP Hồ Chí Minh cũng gây thiệt hại lớn. Về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Amadive Côn Đảo cho biết, giá vé máy bay và phòng khách sạn tăng vọt do bị đầu cơ, đến ngày cao điểm lại không có khách thật. Trong khi đó, mùa du lịch ở Côn Đảo chỉ kéo dài 6 tháng/năm vì ảnh hưởng thời tiết. Doanh nghiệp phải đóng cửa mùa thấp điểm, không giữ được nhân sự, chi phí vận hành cao mà hiệu quả thấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, cuối tháng 7 này, Sở sẽ công bố danh mục tài nguyên mới khai thác du lịch gồm 500 điểm đến ở giai đoạn 1. Thành phố sẽ định vị lại chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 gồm định vị thương hiệu, giá trị cốt lõi du lịch, hệ thống sản phẩm mang đặc trưng... Trong đó, bao gồm các nhóm sản phẩm: Lễ hội sự kiện, du lịch đường thủy, sản phẩm liên quan giá trị văn hóa TP Hồ Chí Minh; sản phẩm du lịch ban đêm, sản phẩm liên quan du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Riêng về sản phẩm du lịch xanh, quy hoạch lại không gian phát triển TP Hồ Chí Minh theo giá trị tài nguyên.
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh xác định 3 nhóm vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững: Hạ tầng và kết nối, Thể chế và thủ tục và Định vị và quảng bá thương hiệu.
Nguyễn Cảnh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/tp-ho-chi-minh-go-nut-that-de-du-lich-bat-manh-i775518/