TP Hồ Chí Minh: Gỡ vướng cho xe điện

TP Hồ Chí Minh: Gỡ vướng cho xe điện
6 giờ trướcBài gốc
Hơn 31% phương tiện xe buýt ở TP Hồ Chí Minh chạy bằng nhiên liệu xanh . Ảnh Đ.Xá.
Khoảng 3 năm nay, các phương tiện xe điện cá nhân (gồm cả cá nhân công cộng) ở TP Hồ Chí Minh đã có những thay đổi đáng chú ý. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng rất dễ để nhận thấy xe điện cá nhân (như xe gắn máy điện, xe đạp điện…) hay xe điện cá nhân công cộng (xe taxi) điện đã phủ khắp địa bàn. Việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu đốt xăng dầu sang nhiên liệu điện khá phổ biến.
Tuy nhiên, các phương tiện công cộng sử dụng điện lại chưa có được sự bứt phá mạnh mẽ dù thực tế, số lượng đã tăng đáng kể. Đầu tiên là mạng lưới xe buýt điện. Sau khi đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện cỡ lớn hồi tháng 3/2022 tới nay, tuyến buýt điện D4 có lộ trình 29 km từ trung tâm quận 1 tới khu vực đường Nguyễn Xiển (TP Thủ Đức) đã hoạt động khá hiệu quả, có lượng người sử dụng nhiều. Tuyến buýt điện có trợ giá đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh cũng nhận được một số phản hồi tích cực của người dân và đơn vị vận hành có mong muốn mở rộng thêm 2 tuyến nữa. Từ đó tới nay, việc mở rộng các tuyến này cũng chưa thể thành hiện thực vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù mạng lưới xe buýt điện cỡ lớn (loại xe 29 chỗ ngồi và các chỗ đứng) này chưa thể mở rộng theo kế hoạch nhưng cuối năm 2024 vừa qua, khi vừa khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1, TP Hồ Chí Minh đã cho vận hành 17 tuyến xe buýt điện gồm cả cỡ nhỏ và cỡ lớn. Mặc dù được khai trương trùng thời điểm khai thác tuyến metro số 1 nhưng thực tế, 17 tuyến xe buýt có lộ trình rất đa dạng, đi qua nhiều quận huyện, TP Thủ Đức và đã hòa vào mạng lưới xe buýt chung của TP Hồ Chí Minh, dần dần thay thế phương tiện chạy bằng xăng dầu để trở nên quen thuộc với người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh, việc đưa vào vận hành mạng 17 tuyến xe buýt điện này là được coi là bước ngoặt quan trọng để thúc đẩy giao thông xanh. Theo đó, các tuyến mới này sẽ nâng tỷ lệ xe điện (và xe chạy bằng nhiên liệu lỏng CNG) so với xe xăng dầu lên 31,3% trong tổng số 2.202 phương tiện xe buýt đang hoạt động. Cùng với metro, đây thực sự là một tỷ lệ khá lớn trong bức tranh giao thông công cộng chung ở TP Hồ Chí Minh. Việc từng bước tăng tỷ lệ xe buýt điện trên địa bàn để tiến tới mục tiêu vào năm 2030, toàn bộ 100% các phương tiện xe buýt hoạt động ở TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng nhiên liệu xanh (gồm điện và khí lỏng CNG). Tuy vậy, để đạt được mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cho phép mở các trạm sạc. Việc mở các trạm sạc là vấn đề quan trọng để doanh nghiệp có thể thay thế phương tiện xe điện bởi thực tế việc sạc điện cho phương tiện vẫn còn nhiều khó khăn so với nạp xăng dầu.
Ngoài các phương tiện xe buýt điện đang từng bước được mở rộng, thời gian qua ở TP Hồ Chí Minh, hàng loạt phương tiện xe điện chở khách du lịch cũng gặp khó, phải dừng hoạt động. Theo đó, trong quy định mới từ giữa tháng 2/2025, các phương tiện xe điện 4 bánh chỉ được phép hoạt động ở khu vực có giới hạn tốc độ dưới 30km/h. Việc giới hạn tốc độ thấp chủ yếu nhằm mục đích cho phép phương tiện xe điện hoạt động an toàn hơn, chủ yếu trong nội bộ các khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch, đường bộ phục vụ du lịch…
Trước đó, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 70 phương tiện xe điện chở khách du lịch với lộ trình đi qua nhiều địa điểm nổi tiếng ở thành phố. Hiện nay các tuyến TP Hồ Chí Minh không có biển giới hạn tốc độ dưới 30km/h nên các phương tiện xe điện này đã tạm ngưng hoạt động. Việc tạm ngưng hoạt động xe điện này đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động du lịch ở TP Hồ Chí Minh bởi nhu cầu sử dụng xe điện để di chuyển, tìm tới địa điểm tham quan là khá lớn. Thực tế ở một số thành phố ven biển có đông khách du lịch, xe điện vẫn được hoạt động vào thời gian buổi tối để chở khách nhưng đặc thù ở TP Hồ Chí Minh là phương tiện đông đúc, rất khó để có thể hạn chế tốc độ các tuyến đường với mục đích dành riêng cho du lịch.
Vừa qua, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm cách gỡ vướng cho hoạt động của các phương tiện. Theo đó, các đơn vị phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, điều kiện thực tiễn của TP Hồ Chí Minh nhằm đề xuất phương án, giải pháp phù hợp để tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch trên địa bàn.
Có thể nói, mạng lưới phương tiện xe điện ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã tăng nhanh chóng, từng bước thay thế phương tiện nhiên liệu đốt trong. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra vẫn còn một số thách thức trong các quy định hiện hành cần được chung tay gỡ vướng.
ĐOÀN XÁ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-go-vuong-cho-xe-dien-10300481.html