Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Mạnh Thắng
Hình thành một siêu đô thị lớn
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đây là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình xây dựng TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, hướng tới hình thành một siêu đô thị có tầm vóc quốc tế, trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là niềm hy vọng và niềm tin của cả nước.
Việc hợp nhất 3 địa phương nhằm tối ưu hóa không chỉ là nguồn lực hữu hình (ngân sách, tài sản, quỹ đất, đầu tư kết cấu hạ tầng...) mà quan trọng hơn đó là thể chế, cơ chế, chính sách, không gian thử nghiệm, những vấn đề mới, sáng tạo sẽ được chuẩn bị và triển khai nhanh hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện nay, 3 địa phương liên quan đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Thắng
Các địa phương đã trình bày Đề án lên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ để xem xét, đồng thời tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo đúng quy định trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết nghị. Đồng thời, hoàn thiện và gửi trình Chính phủ đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, trước ngày 1/5/2025.
Sau khi sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của TP. Hồ Chí Minh mới là 168 (113 phường, 54 xã và 1 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính cấp xã. Về tên gọi xã mới, 3 địa phương thống nhất không đặt trùng tên trong phạm vi toàn thành phố mới, để thuận lợi quản lý cũng như trong quá trình sử dụng dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai.
Việc đặt tên đơn vị hành chính được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử của từng địa phương. Đặc biệt, ưu tiên lựa chọn những tên gọi tiêu biểu, gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tâm thức và tình cảm của người dân.
Chẳng hạn, tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến thành lập các phường mang tên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ có các địa danh như phường Bà Rịa, phường Vũng Tàu, phường Phú Mỹ, xã Đất Đỏ. Còn tại tỉnh Bình Dương, các địa phương được đặt tên là phường Bình Dương, phường Thủ Dầu Một, phường Thuận An, phường Dĩ An,…
TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ đưa vào Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh ranh giới hành chính để toàn bộ diện tích Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ thuộc 1 xã mới trong đợt sắp xếp này.
Ổn định bộ máy, hoạt động thông suốt
Theo đề án, sẽ bố trí trụ sở chính trị- hành chính tại TP. Hồ Chí Minh và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sau sắp xếp.
Sau đó, trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp. Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động để cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác; giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Hồ Chí Minh mới sau sắp xếp.
Các đại biểu trao đổi giải pháp sáp nhập địa giới hành chính 3 địa phương. Ảnh: Mạnh Thắng
Ban Chỉ đạo đã bổ sung hoàn chỉnh Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh; xây dựng, triển khai đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất.
Về chuẩn bị phương án nhân sự cấp tỉnh (khi sắp xếp, hợp nhất), 3 địa phương thống nhất xây dựng báo cáo, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ của 3 địa phương; xây dựng phương án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (sau khi sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập) theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, Kết luận 150 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 31 của Ban Tổ chức Trung ương.
Theo đó, thống nhất tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ ở tỉnh, thành phố về công tác tại phường, xã, đặc khu. Đối với địa bàn có quy mô dân số, tổ chức đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy cấp xã.
Tập thể lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đã cố gắng, nỗ lực, quyết tâm chính trị cao để thực hiện tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, bám sát tiêu chí do Trung ương ban hành và đảm bảo tiến độ theo quy định.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai, quán triệt công tác tư tưởng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá, tuyên truyền sai lệch, các thông tin xấu trên không gian mạng về chủ trương trên. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trước, trong và sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết thử thách lớn nhất đối với 3 Ban Thường vụ hiện nay là đưa chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả.
“Trách nhiệm trước mắt của chúng ta là chọn lựa, bố trí nhân sự đủ chuẩn, đủ sức gánh vác trọng trách mới, bảo đảm bộ máy hoạt động đồng đều, thông suốt, trơn tru, minh bạch, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, điều kiện mới. Đồng thời giải quyết chính sách đối với từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức, từng trường hợp cụ thể để người lao động tiếp tục yên tâm công tác, cống hiến; người không tiếp tục cũng nhận được sự quan tâm đúng mức, thấu tình, đạt lý”, ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Lê Văn