Cụ thể về hoạt động phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, UBND TP. Hồ Chí Minh mới đây đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 58-CTr/TU ngày 4/11/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị (xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới).
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh về đêm. Ảnh: Đỗ Doãn
Theo kế hoạch này, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng; năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật; có văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường; đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước và thành phố.
Đồng thời, phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (thứ 3 từ phải) tuyên dương các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế. Ảnh: Đỗ Doãn
Ngoài ra, kế hoạch hướng tới xây dựng đội ngũ doanh nhân nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt chuyển đổi số, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất, kinh doanh; tranh thủ thời cơ, tìm tòi, sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường khu vực và quốc tế; tạo điều kiện để doanh nhân đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Cũng theo kế hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2030, có ít nhất 700 nghìn doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Trong đó, khoảng 65 - 70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên. Khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ. Có ít nhất 1 - 2 doanh nghiệp được xếp vào các danh sách của bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị trên thế giới bởi các tổ chức uy tín thế giới về định giá thương hiệu.
Tham gia dẫn dắt chuỗi giá trị toàn cầu
Đến năm 2045, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghiệp của thế giới, với các mục tiêu phấn đấu gồm: Một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của thành phố; đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Đỗ Doãn