TP. Hồ Chí Minh phấn đấu huy động 714.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn lực toàn xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng
Theo đề án, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế, nâng cao hiệu quả công vụ và cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý và điều hành. Đồng thời, thành phố sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy hấp thụ vốn nhanh, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Lĩnh vực hạ tầng được ưu tiên gồm: giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, và các hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng. Đề án đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia như đường vành đai 3, 4, cao tốc, đường sắt đô thị, và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tổng vốn đầu tư dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2030 là 209.778 tỷ đồng, được phân bổ theo các lĩnh vực cụ thể: Giao thông vận tải với 69.256 tỷ đồng cho 16 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); giáo dục - đào tạo với 24.803 tỷ đồng với 110 dự án, bao gồm 2.638 phòng học mới; xây dựng với 41.127 tỷ đồng cho 8 dự án; văn hóa - thể thao với 28.585 tỷ đồng với 40 dự án, trong đó 32 dự án do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, 8 dự án thuộc UBND quận, huyện; nông nghiệp và phát triển nông thôn với 3.414 tỷ đồng với 6 dự án; y tế với 42.592 tỷ đồng với 48 dự án.
Thành phố cũng sẽ rà soát các cơ chế nhằm huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội, đặt mục tiêu đạt 420.000 tỷ đồng vào năm 2025, tăng lên 477.000 tỷ đồng vào năm 2026, 528.000 tỷ đồng vào năm 2027, 584.000 tỷ đồng vào năm 2028, 646.000 tỷ đồng vào năm 2029, và 714.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Đặc biệt, dòng kiều hối hàng năm dự kiến đạt từ 6 - 8 tỷ USD. Thành phố cũng cam kết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt bình quân 1,0%/GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%/năm.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung kêu gọi xã hội hóa, với mục tiêu đạt 3 - 5 dự án đầu tư mới mỗi năm.
Việc triển khai đồng bộ các dự án hạ tầng trong đề án không chỉ cải thiện diện mạo đô thị mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, khai thác tiềm năng khoa học - công nghệ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đây là nền tảng quan trọng để TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước.
Thạc Hiếu