Người dân mua sắm Tết tại siêu thị Lotte Mart, quận 7. Ảnh: Cẩm Tú
Chiều 6-2, tại họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ghi nhận trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, sức mua tiêu dùng hàng hóa nội địa có tín hiệu tốt hơn so với các năm trước.
Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng dịp Tết của người dân tiếp tục có sự chuyển biến về cơ cấu tiêu dùng, thời điểm mua sắm Tết và lựa chọn kênh mua sắm.
Cụ thể, về cơ cấu tiêu dùng Tết, các mặt hàng may mặc, thời trang, trang thiết bị, đồ dùng gia đình… tăng mạnh 20%; trong khi đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh 21,6%, dịch vụ lữ hành tăng 17%...
Về thời điểm mua sắm Tết, Sở Công Thương thành phố tiếp tục vận động các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố hoạt động gần như liên tục trước, trong và sau Tết, đáp ứng nhu cầu mua sắm xuyên Tết của người dân. Do đó, người tiêu dùng giảm nhu cầu tích trữ trước Tết, dần có thói quen mua sắm ngay từ mùng 2 Tết; tình trạng ùn ứ, xếp hàng tại các hệ thống phân phối những ngày cận trước Tết đã giảm so với mọi năm.
Về xu hướng lựa chọn kênh mua sắm, sức mua dịp Tết Ất Tỵ 2025 tại kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa… tiếp tục giảm so với các kênh phân phối hiện đại; sức mua tăng chậm, lượng hàng Tết lưu thông qua 3 chợ đầu mối năm nay tuy tăng mạnh 70 - 80% so với ngày thường nhưng giảm 10-15% so với cùng thời điểm Tết Giáp Thìn 2024.
Người tiêu dùng mua sắm Tết tại chợ Tân Mỹ, quận 7. Ảnh: Cẩm Tú
Ngược lại, sức mua tại kênh phân phối hiện đại tăng mạnh 100 - 120% so ngày thường và tăng 15 - 20% so với cùng thời điểm Tết Giáp Thìn 2024, riêng sức mua tại các hệ thống phân phối như Aeon, Bách hóa xanh… tăng mạnh 30 - 40% so với cùng kỳ, kênh thương mại điện tử tiếp tục đà tăng trưởng 45 - 50%/năm...
Trong khi đó, kênh thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, các hệ thống phân phối lớn như Coopmart, Satra, Bách hóa xanh, BigC, MM Mega Market… đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ, logistics… giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, mua sắm online, giao hàng tận nhà; qua đó góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang mua sắm online.
Cũng theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, đơn vị đã khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để kích cầu tiêu dùng, tăng cường hoạt động khuyến mại... Điều này sẽ giúp gia tăng sức mua, đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với hàng hóa chất lượng, giá rẻ.
Nguyễn Lê