Ở đó, những nông trường cao su trải dài bất tận, rì rào trong gió như kể chuyện đất trời bao đời gắn bó với con người. Những hàng cây thẳng tắp, mùa thay lá rụng phủ kín lối đi, gợi lên trong tôi cảm giác vừa quen thuộc vừa thiêng liêng. Tháng 11, khi trời vừa chuyển se lạnh là lúc những trang trại cà phê bung nở hoa trắng, cả một vùng đồi như được phủ một lớp sương mỏng ngát hương. Hương hoa cà phê dịu nhẹ, tinh khiết, len lỏi qua từng kẽ lá, theo bước chân người đi mà đọng lại trong ký ức mãi không phai. Tôi cũng không thể quên được những cánh đồng lúa-nơi khởi nguồn của bao nỗi nhớ. Khi thì thơm mùi mạ non buổi sớm tinh sương, lúc thì ngai ngái mùi lúa ngậm sữa trong cơn mưa đầu mùa, rồi đến khi vàng óng cả một chân trời, tỏa ra cái mùi thơm mát, dịu ngọt của lúa chín. Giờ đây, mỗi lần trở lại, tôi như được trở về một phần của chính mình. Dù đi đâu, làm gì, thành đạt ra sao... thì trong tôi, quê nhà vẫn là nơi tôi có thể bỏ hết những ồn ào để lắng nghe một tiếng chim gọi bạn, một cơn gió đưa hương đồng, hay đơn giản là một giấc ngủ yên bình giữa chiều lộng gió.
Một góc quận 1, TP Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: LÊ VĂN
Lần đầu tiên tôi đặt chân đến TP Hồ Chí Minh là vào năm 1992. Khi ấy, tôi còn là một cậu bé đi theo ba vào thăm chị gái đang làm việc tại đây. Thành phố ngày đó trong tôi là cả một thế giới hoàn toàn khác biệt: Rộng lớn, năng động và đầy màu sắc. Tôi nhớ như in cảm giác choáng ngợp khi được chị dẫn đi Thảo Cầm Viên, được ngắm nhìn những loài động vật lần đầu tiên thấy ngoài sách vở. Tôi được thăm Bảo tàng TP Hồ Chí Minh-nơi lưu giữ những mảnh ký ức hào hùng và thiêng liêng của mảnh đất Sài Gòn-Gia Định xưa.
Những công trình kiến trúc cổ kính như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm TP Hồ Chí Minh... đứng sừng sững giữa những tòa nhà hiện đại lúc ấy khiến tôi luôn phải trầm trồ. Tôi được thưởng thức những món ăn chưa từng biết tên: Hủ tiếu, bánh mì, cơm tấm, bún riêu..., mỗi thứ đều mang một phần linh hồn của thành phố này. Nhưng có lẽ điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là con người-những người dân từ khắp mọi miền đất nước về đây mưu sinh, ai cũng nhanh nhẹn, cởi mở và đầy sức sống; có cả những người nước ngoài mà lần đầu tôi được gặp ở ngoài đời thật. Điều đó với tôi lúc ấy giống như bước ra từ một bộ phim.
Năm 1998, tôi thi đỗ Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp năm 2002, tôi chọn ở lại TP Hồ Chí Minh lập nghiệp không chỉ vì có cơ hội mà bởi vì tôi cảm nhận được sự bao dung của thành phố này. Thành phố cho tôi một không gian để vươn lên, cho tôi được là chính mình, được mơ lớn và được hành động vì ước mơ ấy.
Qua hơn hai thập kỷ tôi sinh sống và làm việc ở đây, TP Hồ Chí Minh đã thay đổi rất nhiều. Những con đường được mở rộng, những tòa cao ốc chọc trời mọc lên, hệ thống giao thông ngày càng phát triển, nhịp sống càng thêm hối hả. Thế nhưng, có những điều vẫn không thay đổi-đó là nghĩa tình, lòng bao dung và tinh thần sẵn sàng giúp đỡ nhau của những con người nơi đây. Một thành phố từng trải qua bao thăng trầm lịch sử, thiên tai, dịch bệnh... nhưng người Sài Gòn xưa-TP Hồ Chí Minh nay vẫn giữ được tinh thần lạc quan, hào sảng và ấm áp. Đối với tôi, TP Hồ Chí Minh không chỉ là nơi lập nghiệp mà là nơi tôi đã lớn lên lần thứ hai-lớn lên trong tư duy, trong hoài bão và cả trong lòng nhân ái.
Những ngày này, không khí tại TP Hồ Chí Minh thực sự đặc biệt. Cả thành phố như đang khoác lên mình một tấm áo mới: Trang nghiêm, hào hùng và đầy cảm xúc. Các tuyến phố rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những buổi luyện tập diễu binh thu hút hàng nghìn người theo dõi, không chỉ tại chỗ mà còn qua mạng xã hội, truyền hình. Tôi có nhiều bạn bè ở các tỉnh đã lên lịch đến TP Hồ Chí Minh vào đúng dịp 30-4 để tận mắt chứng kiến thời khắc lịch sử này. Có người còn nói với tôi rằng: “Không thể bỏ lỡ, đây là dịp để sống lại ký ức hào hùng và cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của tự do, thống nhất”. Đặc biệt, sự tham gia diễu binh của quân đội các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia càng khiến cho sự kiện thêm phần long trọng, thể hiện rõ mối quan hệ quốc tế ngày càng sâu sắc, gắn bó trong khu vực. Đó không chỉ là một buổi lễ mà là một thông điệp: Quá khứ đáng tự hào, hiện tại đang thịnh vượng và tương lai đang rộng mở!
Cá nhân tôi cảm thấy thật may mắn khi sinh ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu, một vùng đất hiền hòa và được lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh-trung tâm kinh tế, văn hóa sôi động bậc nhất cả nước. Tới đây, từ những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước sẽ là bước ngoặt lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới, tầm vóc hơn, chiến lược hơn không chỉ đối với TP Hồ Chí Minh mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Là người đã gắn bó lâu dài với TP Hồ Chí Minh, tôi mong thành phố tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, xanh, thông minh và bền vững. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là phát triển mà không đánh mất bản sắc. TP Hồ Chí Minh là nơi hội tụ của mọi miền, vậy nên, mỗi nét văn hóa vùng, miền nhập về đây đều cần được tôn trọng và gìn giữ. Với riêng Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi hy vọng rằng những giá trị như tinh thần biển cả, văn hóa ngư dân, đời sống nông thôn và cả những lễ hội truyền thống sẽ được lồng ghép khéo léo vào nhịp sống đô thị hiện đại. Từ đó, tạo ra một TP Hồ Chí Minh mở rộng không chỉ rộng về diện tích, đông về dân số mà còn sâu sắc hơn về văn hóa và bản sắc.
Đất nước đổi thay, thành phố chuyển mình, nhưng lòng người thì vẫn chan chứa nghĩa tình. Tôi tin rằng dù mở rộng đến đâu, TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn là “nơi ai đến cũng có thể tìm thấy cơ hội và ai đi xa cũng luôn nhớ để trở về”.
Luật sư LÊ VĂN LÊN Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)