TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kích hoạt hệ thống giám sát, điều trị COVID-19

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kích hoạt hệ thống giám sát, điều trị COVID-19
5 giờ trướcBài gốc
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Ảnh tư liệu: Thu Hương/TTXVN
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Omicron XEC không phải biến chủng mới, đã được ghi nhận trên thế giới từ tháng 6/2024 và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến chủng nguy cơ thấp, cần theo dõi. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) làm đầu mối giám sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và thế giới; tăng cường giám sát ca bệnh, tác nhân gây bệnh, sự kiện bất thường... nhằm dự báo sớm, tham mưu kịp thời các giải pháp can thiệp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) lấy mẫu xét nghiệm xác định biến thể virus từ các ổ dịch, ca bệnh nặng và theo dõi sự lây lan. Đồng thời, trung tâm triển khai kế hoạch kiểm soát dịch bệnh bền vững giai đoạn 2023 - 2025, đặc biệt tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn cơ sở y tế triển khai đúng quy trình chuyên môn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đẩy mạnh truyền thông tại các địa điểm công cộng, du lịch, trung tâm thương mại… nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân (đeo khẩu trang, rửa tay, đến cơ sở y tế khi có triệu chứng…).
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị COVID-19; chủ động bố trí nhân lực, thuốc men, thiết bị và vật tư y tế. Các bệnh viện tổ chức tập huấn lại quy trình chẩn đoán, điều trị và kiểm soát lây nhiễm COVD-19 theo các quyết định, hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật... Các bệnh viện tăng cường giám sát việc tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang đối với toàn bộ người ra vào bệnh viện.
Trường hợp tiếp nhận người mắc COVD-19 nặng hoặc trường hợp bệnh nặng do biến chứng COVD-19, các bệnh viện cần chủ động hội chẩn, chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị, lưu ý đảm bảo an toàn người bệnh trước và trong quá trình chuyển bệnh.
Trung tâm y tế các quận, huyện tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Trung tâm y tế các quận, huyện xây dựng, cập nhật các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương trên địa bàn Thành phố; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, giám sát các tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch.
Từ đầu năm 2025 đến ngày 16/5, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 51 ca mắc COVID-19; trong đó có 29 ca điều trị nội trú và 22 ca điều trị ngoại trú. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc từ đầu năm 2025 đến nay giảm đến 83% và không có ca bệnh cần phải hỗ trợ hô hấp. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Thành phố ghi nhận trong 14 tuần đầu năm, mỗi tuần có 1-2 ca mắc COVID-19 được báo cáo. Tuy nhiên từ tuần 15 (giữa tháng 4/2025) đến nay, số ca mắc COVID-19 hằng tuần có dấu hiệu tăng rõ rệt. TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận các ổ dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Đinh Hằng (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/dich-benh/tp-ho-chi-minh-san-sang-kich-hoat-he-thong-giam-sat-dieu-tri-covid19-20250522094634654.htm