Tổng thu hút vốn FDI của 3 địa phương đạt hơn 5,2 tỷ USD
Theo thông tin tại Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025; giải pháp 6 tháng cuối năm 2025 của TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng GRDP TP. Hồ Chí Minh sau hợp nhất đạt khoảng 6,56%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,2%.
Tổng thu hút vốn FDI của 3 địa phương đạt hơn 5,2 tỷ USD; thu ngân sách TP. Hồ Chí Minh (sau hợp nhất) đạt 415.000 tỷ đồng, bằng 60% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 46.800 tỷ đồng, bằng 32,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, chỉ số GRDP của TP. Hồ Chí Minh (trước hợp nhất) tăng 7,82%, thu ngân sách đạt 322.000 tỷ đồng, đạt hơn 62% dự toán. Với khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,11%; thu ngân sách đạt 322.000 tỷ đồng, đạt hơn 62% dự toán, tăng 20,4% so với cùng kỳ.
chỉ số GRDP của TP. Hồ Chí Minh (trước hợp nhất) tăng 7,82%. Ảnh: TL
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 6 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 2,61%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,9%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 36,5% so với cùng kỳ;
Thu hút vốn FDI đạt 1,3 tỷ USD; thu ngân sách ước 48.000 tỷ đồng, đạt hơn 47% dự toán, giảm 13% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.350 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 39%.
Đối với tỉnh Bình Dương, chỉ số GRDP 6 tháng đầu năm tăng 8,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 18%; xuất khẩu ước tăng 13,9%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 12,5% so với cùng kỳ;
Thu hút vốn FDI đạt 0,9 tỷ USD (tăng gấp 2,5 so với cùng kỳ năm 2024); thu ngân sách ước 44,8 nghìn tỷ, đạt hơn 62% dự toán, tăng 26% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 4,3 nghìn tỷ, tỷ lệ 15%.
Theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá; sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn được mở rộng quy mô.
Công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt khá so với kế hoạch, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố; hoạt động sản xuất trong nước có tín hiệu ổn định hơn nhờ triển vọng đàm phán thương mại, tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng kinh tế
Thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh đề ra kế hoạch bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy tính, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thành phố đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông, qua đó tạo động lực cho hoạt động xây dựng tăng trưởng và đóng góp vào kinh tế Thành phố.
TP. Hồ Chí Minh quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển. Ảnh: Đức Mỹ
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đang trên đã phục hồi và sẽ là điểm tựa đóng góp tăng trưởng trong năm 2025 nhưng trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công nghiệp trọng yếu có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận để tận dụng nhiều ưu đãi.
Vì vậy, Thành phố tích cực rà soát, đánh giá, tái cơ cấu khu, cụm công nghiệp và đề xuất chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt để tạo động lực, giữ chân doanh nghiệp. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã được quy hoạch đáp ứng nhu cầu quỹ đất cho phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Cùng lúc, thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử, tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông, đẩy nhanh phát triển ngành logistics. Đây là điều kiện cần thiết để giảm chi phí vận chuyển, giúp duy trì động lực trung tâm thương mại của cả nước.
Tiếp tục xây dựng mô hình liên kết mở rộng hợp tác kinh tế Thành phố với các địa phương lân cận, bao gồm mở rộng mạng lưới phân phối, hàng hóa được sản xuất trên địa bàn Thành phố.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Mỹ La - tinh, Châu Phi, đồng thời tận dụng tối đa 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Điều chỉnh cơ chế, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế theo hướng tiết kiệm chi phí tối đa cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, tập trung gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản, kéo giảm giá nhà ở, đất ở góp phần hạn chế sự lãng phí tài nguyên xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Thành phố cũng xác định hoạt động bất động sản là động lực tăng trưởng của kinh tế và quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.
Đức Mỹ