Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch
Bà Len (64 tuổi, ngụ Bình Dương) chăm cháu trai 12 tuổi bị sốt xuất huyết điều trị tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khi thấy bé bị sốt, người lừ đừ, gia đình đưa bé đến khám tại bệnh viện gần nhà. Bác sĩ nghi ngờ bé bị sốt xuất huyết, cho uống thuốc và về nhà tiếp tục theo dõi. Thế nhưng sau khi uống thuốc, bé vẫn bị sốt 38 độ nên gia đình đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám và được nhập viện điều trị.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bé trai nhập viện do bị sốt xuất huyết vào ngày thứ 4, kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, nhợn ói và đau bụng. Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhi có dấu hiệu tràn dịch đa màng phổi, khó thở. Theo đó, bệnh nhi đã được hỗ trợ thở oxy, truyền dịch 2 lần. Sau 8 ngày điều trị, bệnh nhi đã dần hồi phục và đang trong giai đoạn tái hấp thu.
Một trường hợp khác là bệnh nhi N.H.K. (2 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, có nguy cơ tử vong cao và dương tính sốt xuất huyết. Theo đó, bệnh nhi K. đã phải nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19.
Bệnh nhi N.H.K. bị sốc xuất huyết và phải nằm điều trị tích cực hơn 1 tháng.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Thành Luân, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19 cho biết, đặc thù của khoa là tiếp nhận những trường hợp sốt xuất huyết nặng. Trẻ mắc bệnh khi vào khoa luôn trong tình trạng đã truyền nhiều dịch từ trước, truyền dịch kéo dài, cô đặc máu nhiều và suy hô hấp, đặc biệt là nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng suy đa cơ quan từ các tuyến, cần khẩn trương điều trị tích cực.
Trường hợp của bệnh nhi K. bị sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, tim, thận, viêm tụy và suy hô hấp. Bệnh nhi được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, chống sốc, vận mạch và truyền nhiều chế phẩm máu. Trong quá trình bệnh nhi K còn đang lọc máu liên tục, các bác sĩ đã chủ động cai máy thở cho bé để bé có thể vận động sớm, giúp giảm nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng. Sau 42 ngày nằm điều trị tích cực, bệnh nhi K. đã hồi phục và được xuất viện.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện đang có 15 trường hợp bệnh nhi bị sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong đó có 2 trường hợp nặng đang phải điều trị tích cực. Theo thống kê, đầu tháng 11 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nội trú cho 82 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ của tháng trước đó. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết của tháng 10 là 412 ca, tăng hơn 120 ca so với tháng 9.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện gia tăng.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) ghi nhận trẻ nhập viện so mắc sốt xuất huyết cũng có xu hướng tăng. TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, một tháng gần đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 5 ca sốt xuất huyết mới, trước đó chỉ tiếp nhận khoảng 2 - 3 ca/ngày. Nhiều trẻ nhập viện khi đã có dấu hiệu nặng như sốc sốt xuất huyết, suy đa cơ quan. Hiện khoa đang điều trị nội trú 60 ca, trong đó 12 ca nặng.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ghi nhận số bệnh nhi bị sốt xuất huyết nhập viện cũng tăng nhẹ. Hiện có 14 trẻ đang điều trị nội trú trong đó có 5 trẻ bị nặng và 1 trường hợp rất nặng.
Sốt xuất huyết dễ nhầm với bệnh khác
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, giai đoạn nặng của sốt xuất huyết thường là ngày thứ 3 hoặc ngày thứ 7. Lúc này, bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhi mệt nhiều, lừ đừ, đau bụng, ói nhiều, tay chân mát lạnh. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh bị sốc sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn xuất huyết các biến chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu. Thậm chí, đối với nhóm bệnh nhân nữ đang ở tuổi dậy thì, bệnh sốt xuất huyết còn có thể gây ra biến chứng xuất huyết tử cung nặng.
“Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, sốt xuất huyết có thể dẫn đến suy đa tạng như gan, cơ tim, hệ thần kinh… thậm chí tử vong”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Khi xuất hiện các nốt phát ban gia đình phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cũng cho biết thêm, các trường hợp sốt xuất huyết nhập viện trễ trong tình trạng có các biến chứng nặng như sốc, suy các cơ quan thường nguyên nhân là do người dân chủ quan hoặc bước thăm khám ban đầu với các triệu chứng biểu hiện không rõ ràng dẫn đến bị chẩn đoán nhầm với các bệnh tay chân miệng, sốt siêu vi, sốt phát ban.
Bên cạnh đó, bác sĩ Võ Thành Luân cũng cho biết thêm, sốt xuất huyết Dengue có thể bị nhầm lẫn với các loại sốt thông thường, dẫn đến nguy cơ bỏ sót bệnh nếu không nhận diện đúng các triệu chứng ban đầu. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu như: sốt cao liên tục không hạ sau 2 - 3 ngày; đau đầu, đặc biệt là ở vùng sau mắt; đau cơ và khớp đôi khi kèm phát ban hoặc xuất huyết dưới da; buồn nôn, mệt mỏi, hoặc đau bụng phụ huynh cần lưu ý để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết tại Trung tâm tiêm chủng VNVC.
Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết là bệnh quanh năm, đặc biệt là mùa mưa. Hiện tại vẫn đang giai đoạn mùa mưa, số ca vẫn sẽ tiếp tục tăng và đỉnh dịch có thể kéo dài tới sang năm. Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt và loại bỏ nơi muỗi sinh sản như: Dọn dẹp vệ sinh các khu vực nước đọng quanh nhà (chậu hoa, lu chứa nước, vỏ xe cũ…); ngủ màn, mặc quần áo dài tay và sử dụng kem chống muỗi; sử dụng bình xịt hoặc nhang muỗi để diệt muỗi trong nhà.
Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh chủ động, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine sốt xuất huyết để phòng bệnh. Vaccine sốt xuất huyết giúp phòng ngừa 4 type virus Dengue thường gây bệnh sốt xuất huyết; đồng thời ngăn tái nhiễm bệnh. Loại vaccine sốt xuất huyết đang được lưu hành ở Việt Nam có chỉ định sử dụng được cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, mỗi người cần tiêm 2 mũi để đủ liều, mỗi mũi cách nhau 3 tháng.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo tin tức