Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Trung tâm Kiểm nghiệm khẩn trương thực hiện việc lấy mẫu và kiểm tra chất lượng các loại thuốc đang được lưu hành trên thị trường, bao gồm: Viên nén Clorocid TW3, Viên nén Tetracyclin TW3, Viên nén Pharcoter và Viên nén bao đường Neo-Codion. Đây là các sản phẩm đã bị phát hiện có trường hợp làm giả, mạo danh thuốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành theo thông báo của Cục Quản lý Dược tại Công văn số 1135/QLD-CL.
Một số loại thuốc tân dược giả bị thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Cùng với đó, Sở Y tế yêu cầu tập trung kiểm tra tại các cơ sở bán buôn thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc y học cổ truyền, thuốc dược liệu và các phòng chẩn trị y học cổ truyền, những nơi có nguy cơ cao về việc tiêu thụ thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm và các đơn vị liên quan phải báo cáo kịp thời về Sở và các cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm trong quá trình kiểm tra, bao gồm cả các trường hợp phát hiện thực phẩm chức năng có chứa chất cấm hoặc pha trộn dược chất trái phép.
Trước đó, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo khẩn đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyệt đối không kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bị phát hiện làm giả, trong bối cảnh Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn, hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Qua điều tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 21 sản phẩm, trong đó có 4 loại được xác định là giả mạo các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, bao gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. Các thông tin ghi trên nhãn các sản phẩm này bao gồm tên thuốc, số đăng ký và bao bì, đều trùng khớp với thuốc thật, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và nhận diện.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các địa phương và y tế các ngành khẩn trương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sử dụng thuốc tuyệt đối không kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm giả mạo nêu trên.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra đột xuất tại các nhà thuốc, cơ sở phân phối, đặc biệt là các điểm có dấu hiệu nghi ngờ. Đồng thời, khi phát hiện sai phạm, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc