TP Hồ Chí Minh 'tất bật' chuẩn bị đại lễ 30/4 với chuỗi hoạt động mãn nhãn người dân và du khách

TP Hồ Chí Minh 'tất bật' chuẩn bị đại lễ 30/4 với chuỗi hoạt động mãn nhãn người dân và du khách
18 giờ trướcBài gốc
Lễ diễu binh, diễu hành gồm các khối lực lượng vũ trang, công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và do TP Hồ Chí Minh đảm nhận.
Diễu binh, diễu hành với công nghệ trình chiếu hiện đại
Trọng tâm của chuỗi hoạt động là lễ diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra từ 6 giờ 30 sáng ngày 30/4 tại trục đường Lê Duẩn, trước Hội trường Thống Nhất, nơi từng ghi dấu thời khắc lịch sử vào mùa xuân năm 1975. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên các kênh quốc gia và địa phương, đồng thời phục vụ người dân thông qua hàng chục màn hình LED đặt tại trung tâm và các quận, huyện.
Theo kế hoạch, lễ kỷ niệm cấp quốc gia bắt đầu bằng chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc do TP Hồ Chí Minh thực hiện, kéo dài khoảng 30 phút với các tiết mục nhạc kèn, múa súng. Khi Quốc thiều vang lên, đội hình pháo lễ sẽ bắn 21 loạt pháo chào mừng.
Các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh) đang tập luyện bắn đại bác tại bến Bạch Đằng, Quận 1.
Ngay sau phần nghi lễ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ đọc diễn văn kỷ niệm. Đại diện cựu chiến binh và thế hệ trẻ Việt Nam cũng sẽ phát biểu, thể hiện tinh thần nối tiếp truyền thống hào hùng. Sau đó, lễ diễu binh, diễu hành chính thức bắt đầu với 48 khối tham gia gồm: 36 khối lực lượng vũ trang do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đảm trách và 12 khối thuộc TP Hồ Chí Minh.
Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho biết: “Bộ Quốc phòng được giao chủ trì tổ chức 23 hoạt động trọng điểm trong dịp lễ. Riêng Quân khu 7 đảm trách một số phần quan trọng như luyện tập, tổ chức diễu binh, diễu hành và công tác hậu cần, đảm bảo an ninh. Cụ thể, lực lượng quân đội tham gia diễu binh gồm 32 khối, trong đó Quân khu 7 góp 7 khối, gồm 3 khối nữ và 4 khối nam. Tất cả đã được tập luyện nghiêm túc tại Trung đoàn Không quân 935 (Biên Hòa) và sẽ tổng duyệt tại đường Lê Duẩn vào ngày 18 và 22/4. Tính đến nay, các đoàn từ mọi miền Tổ quốc đã ổn định nơi ăn ở, điều kiện hậu cần, tư trang và kỹ thuật đều được chuẩn bị chu đáo nhất".
Theo Đại tá Nguyễn Như Trúc, lộ trình diễu hành bắt đầu từ giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Duẩn, qua lễ đài chính và dừng trước Hội trường Thống Nhất. Sau đó, các khối phân luồng về bốn hướng, giúp tránh ùn tắc và tạo điều kiện cho người dân theo dõi:
Hướng 1: Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Thị Nghĩa - Ngã 6 Phù Đổng - Cách Mạng Tháng Tám - Công viên Tao Đàn.
Hướng 2: Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Bến Bạch Đằng.
Hướng 3: Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng - Sân vận động Hoa Lư.
Hướng 4: Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Công viên Lê Văn Tám.
Những chiếc trực thăng mang theo cờ Tổ quốc và cờ Đảng đi qua lễ đài trong buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành vào ngày 11/4 tại Biên Hòa, Đồng Nai.
"Đặc biệt, khu vực diễu binh, diễu hành được trang bị hệ thống trình chiếu hiện đại với công nghệ LED, thực tế ảo (AR), đồ họa 3D và video art để người dân có thể ngắm toàn cảnh của lễ kỉ niệm. Theo đó, sẽ có tổng cộng có 20 màn hình LED đặt tại các tuyến trung tâm, đồng thời TP Hồ Chí Minh cũng huy động 22 màn hình LED lớn ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để người dân dễ dàng theo dõi trực tiếp sự kiện. Đây là lần đầu tiên các đơn vị đồng loạt ứng dụng công nghệ hiện đại vào tổ chức một Lễ kỉ niệm mang tầm quốc gia", Đại tá Nguyễn Như Trúc cho biết thêm.
Rực rỡ sắc màu văn hóa
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn cao điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn nhằm chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Chuỗi hoạt động chia thành hai nhóm chính: Cấp thành phố và do các sở, ngành, địa phương tổ chức.
Công nhân tất bật thi công khu vực sân khấu trong chương trình Lễ kỉ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại đường Lê Duẩn, Quận 1.
Trong số các hoạt động cấp thành phố, điểm nhấn là không gian “Con đường Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh” trưng bày ảnh thời sự, lễ hội và sự kiện lớn dọc tuyến đường Đồng Khởi, diễn ra từ ngày 15/4 đến 20/5/2025. Bên cạnh đó, Thành phố tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2025 và chương trình “Đồng diễn Thể dục - Thể thao” quy mô lớn, thể hiện tinh thần khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” sẽ diễn ra tại nhiều điểm công cộng từ ngày 19 - 30/4. Tại khu vực trước trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, người dân sẽ được thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật 3D Mapping, nhạc giao hưởng - hợp xướng và dân gian đương đại. Khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ trở thành không gian hội tụ của ca múa nhạc dân tộc, múa lân sư rồng, hát bội, trình diễn võ nhạc cổ truyền...
Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Mỹ thuật Thành phố, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tổ chức khai mạc trưng bày 2 chuyên đề “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975” và “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ngôn ngữ điêu khắc” trong ngày 15/4.
Đặc biệt, các hoạt động rối, xiếc, hoạt náo đường phố, cải lương và giao lưu nghệ thuật với các tỉnh thành khác cũng sẽ lần lượt diễn ra tại các khu vực Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi và Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế. Không gian công viên Bến Bạch Đằng sẽ là nơi tổ chức diễu hành thuyền hoa đăng và biểu diễn đờn ca tài tử trên sông Sài Gòn - một hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ.
Đêm 30/4, chương trình “Ngày hội Thống nhất non sông” sẽ chính thức diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ và dọc tuyến sông Sài Gòn, khép lại chuỗi sự kiện bằng màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật tại 3 khung giờ cao điểm: 21 giờ từ ngày 19, 26 và 30/4, kết hợp với 10.500 thiết bị bay không người lái (drone) tạo hình trên bầu trời.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, không khí chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa thành phố thông qua nhiều hoạt động quy mô và chiều sâu. Chúng tôi cũng tổ chức lễ tôn vinh 50 doanh nghiệp tiêu biểu, 50 cá nhân xuất sắc, 50 công trình xây dựng, sự kiện nổi bật và 50 tác phẩm văn học – nghệ thuật tiêu biểu trong dịp này".
Người dân háo hức xem tập bắn đại bác tại bến Bạch Đằng, Quận 1 chuẩn bị cho lễ kỉ niệm.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn lên kế hoạch quảng bá 50 tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, tổ chức Giải thưởng sáng tạo TP Hồ Chí Minh lần thứ 4, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4, triển lãm sắp đặt nghệ thuật với chủ đề “Từ chiến thắng Bạch Đằng đến Đại thắng 30/4/1975”. “Toàn bộ chuỗi hoạt động không chỉ góp phần ôn lại lịch sử vẻ vang mà còn khẳng định vai trò của văn hóa trong việc nuôi dưỡng bản sắc, truyền cảm hứng và khơi dậy tinh thần dân tộc trong hành trình phát triển của TP Hồ Chí Minh hôm nay”, ông Hoàng Vũ cho biết thêm.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/tp-ho-chi-minh-tat-bat-chuan-bi-dai-le-304-voi-chuoi-hoat-dong-man-nhan-nguoi-dan-va-du-khach-20250415155957613.htm