Ngày 15/11, Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh (HLA) tổ chức Diễn đàn Logistics TP. Hồ Chí Minh 2024 với chủ đề “Logistics trong bối cảnh toàn cầu”.
Tham dự Diễn đàn có Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố cùng Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Dừa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, đông đảo đại diện doanh nghiệp Logistics trên địa bàn...
TP. Hồ Chí Minh phát triển Logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn
Diễn đàn nhằm thảo luận và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Logistics nói chung và doanh nghiệp Logistics tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Đồng thời tạo điểm hẹn kết nối để các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, nhà đầu tư và các bên liên quan gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, hướng tới những đột phá mới trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh xác định ngành logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế Thành phố.
Vai trò quan trọng đó cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI xác định “Đề án Phát triển ngành Logistics TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong 49 chương trình, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế Thành phố.
Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu phát triển Logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua số liệu tổng hợp cho thấy: tỷ trọng đóng góp của Logistics vào GRDP TP. Hồ Chí Minh năm 2023 đạt xấp xỉ 8,51%, quy mô đóng góp gần 140 ngàn tỷ đồng. Một số chỉ số đánh giá, xếp hạng có liên quan đến ngành cũng rất khả quan, tích cực.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại Diễn đàn Logistics TP. Hồ Chí Minh 2024. (Ảnh: HLA)
Thành phố đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong các kế hoạch 5 năm và hằng năm phát triển ngành Logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, Thành phố cũng nhận thấy đây là ngành mới, tổng hợp từ nhiều ngành, lĩnh vực nên còn nhiều hạn chế trong sự phát triển ngành Logistics như vấn đề về hạ tầng Logistics, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực.
Do đó, Lãnh đạo UBND Thành phố mong muốn các cơ quan Bộ ngành Trung ương, các Hiệp hội, doanh nghiệp đóng góp những ý kiến, đề xuất nhằm giúp triển khai các giải pháp, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm hỗ trợ phát triển ngành logistics, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của Thành phố.
Cần đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng Logistics trên địa bàn
Theo Cổng Thông tin điện tử TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Tân Cảng Hiệp Phước, cho biết Chỉ số Hiệu quả Logistics (Logistics Performance Index –LPI) năm 2023 của Việt Nam xếp vị trí thứ 43/154. Đầu tư từ khu vực công và tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đạt 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Về tình hình hạ tầng Logistics TP. Hồ Chí Minh, Thành phố hiện có khoảng 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, hậu cần, kho bãi...
Ông Phạm Thanh Sơn cho rằng các doanh nghiệp Thành phố có những cơ hội cho chuỗi cung ứng như: Khu bến Hiệp Phước có thể đón tàu tải trọng đến 70.000 DWT; khu bến Nhà Bè có thể đón tàu tải trọng đến 45.000 DWT. Bên cạnh đó, dự kiến đường vành đai 3 sẽ thúc đẩy hoạt động vận tải và kết nối liên vùng giữa các cảng TP. Hồ Chí Minh giúp giảm thời gian và chi phí logistics cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tình hình đầu tư hạ tầng, giải ngân đầu tư công TP. Hồ Chí Minh trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt thấp, nhiều điểm nghẽn giao thông vẫn chưa được gỡ bỏ, gây khó khăn trong phát triển logistics của Thành phố.
Các doanh nghiệp cũng gặp những thách thức trong chuỗi cung ứng của mình khi Thành phố chưa có hệ thống đường sắt kết nối với cảng biển; Tuyến luồng chưa đáp ứng đủ độ sâu, việc duy tu nạo vét chưa định kỳ và linh hoạt sẽ hạn chế việc tiếp nhận và khai thác ổn định cho tuyến dịch vụ; sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ chưa có nhiều đầu tư cho các ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng; Hạ tầng đường bộ nội thành chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại điện tử...
Từ thực tiễn đó, ông Phạm Thanh Sơn đề xuất cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng Logistics như: Đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt kết nối cụm cảng Cát Lái với ga Sóng Thần; Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các Trung tâm logistics đã được quy hoạch trên địa bàn; Quy hoạch phát triển các bến Thủy, tăng tính kết nối với cảng feeder tại TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy vận tải xanh; Phát triển đồng bộ hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng giao thông và hạ tầng số…
TP. HCM đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn. (Ảnh: VGP)
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp, tham gia hiến kế tháo gỡ các hạn chế đang cản trở sự phát triển của ngành logistics Thành phố. Trong đó đánh giá về thực trạng phát triển ngành logistics Thành phố, các vấn đề về liên kết vùng, chia sẻ kinh nghiệm từ góc nhìn khoa học, ngành và doanh nghiệp để góp ý cho công tác quản lý nhà nước. Đề xuất tham gia một giải pháp cụ thể để phát triển ngành logistics như: Phát triển ngành logistics gắn với xu thế phát triển hiện nay là phát triển logistics xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để đón đầu xu thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Chiến lược ứng phó với biến động cước vận tải quốc tế; Xu hướng logistics trong thương mại điện tử và tác động đến thị trường; Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển chuỗi cung ứng bền vững...
Thanh Hà