Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Chiều 24/7, tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư tham gia các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.
Theo đó, Thành phố triển khai chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án. Hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ bao gồm hệ thống giao thông kết nối dự án, hệ thống cấp điện và chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, cấp thoát nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn và hệ thống vệ sinh công cộng (không áp dụng cho phần hạ tầng kỹ thuật nằm bên trong công trình chung cư). Đồng thời, Thành phố hỗ trợ 50% kinh phí di dời, cưỡng chế di dời cư dân theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhằm giảm gánh nặng chi phí ban đầu cho nhà đầu tư.
Đối tượng áp dụng bao gồm chủ đầu tư (những doanh nghiệp, tổ chức được lựa chọn làm chủ đầu tư các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 63, điểm b khoản 6 Điều 73 và điểm b khoản 4 Điều 74 của Luật Nhà ở); dự án được hỗ trợ là các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 98/2025/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị quyết được thông qua, chính sách hỗ trợ được giải ngân sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình hạ tầng hoặc hỗ trợ chi phí di dời khi đã có phương án di dời được phê duyệt. Các dự án được hưởng ưu đãi là những dự án được chấp thuận đầu tư sau khi nghị quyết có hiệu lực. Nguồn kinh phí ưu đãi sẽ được bố trí từ ngân sách chi thường xuyên của TP. Hồ Chí Minh, thông qua dự toán do Sở Xây dựng quản lý và kiểm tra giá trị hạng mục công trình được hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, mục tiêu của nghị quyết là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đồng thời tạo cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, góp phần chỉnh trang đô thị và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1999, Thành phố đã có chủ trương sửa chữa và xây dựng lại các chung cư, nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2008, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Trong nhiều năm, TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới nhằm thay thế các chung cư xuống cấp, đảm bảo an toàn cho cư dân, đồng thời phục vụ mục tiêu chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, từ năm 2015, nội dung này được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), với mục tiêu "đến năm 2020 hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975".
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do vướng nhiều quy định cũng như thiếu các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia.
Anh Tuấn/vnanet.vn