TP.Hồ Chí Minh thực hiện nhiều dự án trọng điểm trong 2025

TP.Hồ Chí Minh thực hiện nhiều dự án trọng điểm trong 2025
18 giờ trướcBài gốc
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, ngày 25/12.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn giao cho Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh là 4.783 tỷ đồng, giá trị giải ngân dự kiến đạt 4.356 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,1%. Trong đó, vốn đầu tư công giao cho sở là 200 tỷ đồng, giải ngân ước đạt 189 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 94,6% (cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 51,2%). Như vậy Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Cũng trong năm qua, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì thực hiện nhiều giải pháp để xóa 7/9 điểm đen tai nạn giao thông. Đồng thời qua theo dõi 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, đến nay có 6 điểm chuyển biến tốt, không phát sinh thêm điểm nguy cơ ùn tắc giao thông.
Khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2024 ước đạt 504,4 triệu lượt hành khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ 2023, đạt 105,6% so với kế hoạch năm. Trong đó, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ước đạt 92,5 triệu lượt hành khách, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nhóm công việc thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” đúng tiến độ; triển khai chuẩn bị đầu tư 5 dự án BOT trên đường hiện hữu đảm bảo theo tiến độ đề ra. Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công ít nhất 2 dự án trọng điểm.
Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng hoàn thành đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông giai đoạn 1 - chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố.
Về công tác đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể Xây dựng đường vành đai 4; tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư dự án.
Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã tập trung phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, kết nối vùng như vành đai 3, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa… Đến nay đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án/gói thầu, khởi công 2 dự án, gói thầu.
Đặc biệt, Sở đã phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị để kịp thời hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành chính thức tuyến metro số 1 phục vụ người dân vào ngày 22/12. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, kết nối vùng như 5 dự án BOT xây dựng nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ hiện hữu, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 4, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, đường nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành...
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đánh giá thời gian qua nhóm công việc của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện tốt, không để tồn đọng công việc. Đặc biệt, năm 2024, tuyến metro số 1 đã đi vào khai thác thương mại, Sở cũng đã nhanh chóng làm các nhóm công việc như giá vé metro số 1, vận hành, quy định chung để mang lại hiệu quả. Có thể khẳng định vai trò của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh là rất lớn.
Ông Cường đề nghị, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh phải xác định năm 2025 cần bước đột phá thật sự, cách làm mới hoàn toàn với nhiều cơ chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với những khó khăn, vướng mắc cần sớm báo cáo để kịp thời xử lý, mục tiêu là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
TP. Hồ Chí Minh đưa ra các nhóm công việc liên quan tới chủ đề năm và Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cần căn cứ vào đó để làm. Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện việc điều phối, phát triển giao thông kết nối liên vùng, đặc biệt là đường sắt đô thị. Ví dụ, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành cần tập trung vai trò trong công tác quy hoạch, rà soát 1 số tuyến đường giao thông, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
"Bên cạnh metro số 1, Thành phố còn phải tập trung triển khai metro số 2, các dự án khác cũng xin cơ chế mới và đang trong giai đoạn đề xuất đầu tư. Có thể thấy hiện nay nguồn vốn có, mặt bằng cũng cơ bản thuận lợi nên việc tổ chức thi công là rất quan trọng. Sắp tới, Thành phố sẽ cảnh báo, xử lý các nhà thầu yếu kém để mang lại hiệu quả cho dự án", ông Cường thông tin.
Đối với nhóm vận tải đường thủy, năm 2025 phải có đột phá, khơi thông nhiều tuyến đường thủy mới. Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cần chú ý, tiếp tục nạo vét luồng tuyến, khơi thông hạ tầng đường thủy.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, khẳng định Sở sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và mong nhận được sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trong các nhóm công việc, để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Minh Hà
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/tp-ho-chi-minh-thuc-hien-nhieu-du-an-trong-diem-trong-2025.htm