10 tiếng di chuyển quãng đường 130 km
Mấy ngày qua, việc di chuyển trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây theo hướng từ Đồng Nai đi TPHCM khó khăn hơn. Nguyên nhân được xác định là đơn vị quản lý đang tiến hành sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành. Khi sửa chữa, đơn vị quản lý đã phải đóng 1 làn đường hướng từ Đồng Nai về TPHCM nên tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Sửa khe co giãn cầu Long Thành dẫn đến xảy ra ùn tắc giao thông. ảnh: VECE
Cùng thời gian này, cách khu vực cầu Long Thành khoảng 30km thì nút giao Tân Vạn (phường Dĩ An, TPHCM) cũng đang thi công cầu vượt. Đây là nút giao lớn và quan trọng của dự án Vành đai 3 TPHCM với quốc lộ 1A. Vì thế, các phương tiện khi không thể di chuyển trên trục cao tốc hướng về TPHCM cũng bị ùn tắc ở nút giao Tân Vạn (cũng nằm gần giáp ranh giữa TPHCM và Đồng Nai).
Anh Nguyễn Thanh Việt (40 tuổi) - trú xã Hóc Môn (TPHCM) cho biết, cách đây mấy ngày anh đưa gia đình về phường Vũng Tàu (TPHCM) chơi. Lúc ăn trưa và trả phòng xong, gia đình tôi lái xe di chuyển về nhà. Quãng đường chỉ khoảng 130km nhưng phải mất tới hơn 10 giờ di chuyển. Mấy tiếng đồng hồ bị “chôn chân” ở cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. “Không chỉ riêng tôi, hàng dài phương tiện trước và sau cũng chịu chung số phận. Cứ nghĩ có cao tốc chỉ mất vài giờ di chuyển, ai ngờ mất cả nửa ngày luôn. Mọi người ai cũng mệt mỏi” - anh Việt nói và cho biết, không chỉ tuyến đường cao tốc mà ngay cả quốc lộ 51 cũng rất đông phương tiện, di chuyển khá chậm qua khu vực tỉnh Đồng Nai.
Chưa thể dứt điểm tình trạng tắc đường
Theo ghi nhận của chúng tôi, nút giao Tân Vạn (nằm trên quốc lộ 1A) và cầu Long Thành (nằm trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) đều là tuyến đường huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh phía Bắc (và ngược lại). Thậm chí xe tải, container ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long di chuyển ra các tỉnh phía Bắc cũng bắt buộc phải dùng 2 trục đường này. Các tuyến đường thay thế gần như không có hoặc chỉ là đường dân sinh nhỏ hẹp. Theo Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thời gian qua khi tiến hành sửa chữa khe co giãn ở cầu Long Thành, đơn vị này đã đóng một nửa mặt đường cầu (khai thác 1 làn đường) nên đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông để điều chỉnh, phân luồng cho phù hợp. Theo VECE, đơn vị này bắt đầu thi công sửa chữa từ ngày 15/7 và ngày 21/7 xong ở chiều từ Đồng Nai đi TPHCM. Dự kiến tới ngày 27/7 sẽ hoàn thành nốt chiều từ TPHCM đi Đồng Nai nếu thời tiết thuận lợi. Hiện đơn vị đang thi công liên tục 24/24 giờ nhằm nhanh chóng hoàn thiện việc sửa chữa.
Đối với nút giao Tân Vạn, việc lưu thông vẫn tiếp tục nhưng sẽ khó khăn, chủ yếu di chuyển chậm với phương châm vừa lưu thông vừa thi công. Theo kế hoạch, cuối năm 2025, dự án nút giao mới hoàn thành. Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an TPHCM cũng phát thông báo hướng dẫn, gợi ý một số lộ trình thay thế khi tài xế có nhu cầu di chuyển từ TPHCM đi Đồng Nai. Cụ thể, để tránh đi qua nút giao Tân Vạn, tài xế có thể chuyển hướng vào quốc lộ 1K, hoặc đi qua khu công nghệ cao rồi vào lại quốc lộ 1A… Nếu từ Đồng Nai di chuyển đi TPHCM, tài xế có thể lựa chọn lộ trình đi quốc lộ 1K hoặc phà Cát Lái với phương tiện xe dưới 16 chỗ, xe tải nhẹ…
Thực tế, việc các phương tiện ô tô, xe tải, container mất nhiều giờ đồng hồ để di chuyển vài cây số các tuyến đường quanh TPHCM (cũ) đang khá phổ biến. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng chỉ riêng 5 năm trở lại đây, lượng xe ô tô ở TPHCM (cũ) đã tăng nhiều. Trong khi đó, hạ tầng giao thông khoảng 5 năm qua có thay đổi nhưng chưa đáp ứng kịp.
Ngoài các giải pháp tạm thời như lực lượng Cảnh sát giao thông gợi ý, một số chuyên gia giao thông cho rằng, yếu tố then chốt là thời gian hoàn thành đường Vành đai 3 TPHCM và cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến trong năm 2026 tới. Đây là 2 trục đường quan trọng, tạo thành vòng tròn khép kín, liên kết với hầu hết trục cao tốc, quốc lộ ở phía Nam, giúp các phương tiện không phải đi qua các “nút thắt” như hiện nay.
Đoàn Xá