TP Huế báo cáo Thủ tướng vụ hơn 2,5ha rừng phòng hộ bị đốn hạ

TP Huế báo cáo Thủ tướng vụ hơn 2,5ha rừng phòng hộ bị đốn hạ
10 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo, tổng diện tích rừng bị chặt hạ hơn 3,1ha, gồm hơn 2,5ha rừng phòng hộ và khoảng 0,6ha rừng sản xuất, với tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm bị đốn hạ, trong đó phần lớn thuộc rừng phòng hộ.
Diện tích này nằm trong Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (Dự án 661) từ năm 2008, ban đầu do Ban Quản lý dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát quản lý, giao khoán cho nhóm hộ ông Lê Nguyễn Sĩ, sau chuyển sang UBND xã Quảng Công tự quản lý từ tháng 9/2020.
Ngày 23/4/2025, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền (cũ) phối hợp UBND xã kiểm tra, xác định lô 152 là rừng phòng hộ cần bảo vệ. Thời điểm đó, rừng chưa bị xâm hại. Tuy nhiên, trước đó, ngày 18/2/2025, Ban Chấp hành Đảng ủy xã Quảng Công do Bí thư Đảng ủy xã - Lê Duận chủ trì đã thống nhất “thanh lý rừng gãy đổ do bão”.
Tổng diện tích rừng bị chặt hạ là hơn 3,1ha, gồm hơn 2,5ha rừng phòng hộ và khoảng 0,6ha rừng sản xuất.
Ngày 19/2/2025, tập thể UBND xã do ông Nguyễn Đình Thông - nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Công, nay là Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng - tiếp tục họp, thống nhất bán 8ha rừng sản xuất cho ông Nguyễn Văn Quốc với giá 85 triệu đồng, nhưng thực tế khai thác cả diện tích rừng phòng hộ.
Ông Thông thừa nhận việc khai thác được Đảng ủy xã đồng ý, xã đã bán 8ha rừng sản xuất nhưng thực tế chặt cả rừng phòng hộ. Ông Quốc cũng khai nhận được ông Lê Nguyễn An - cán bộ địa chính xã chỉ vị trí và giám sát khai thác.
Gỗ được bán cho Công ty CP Năng lượng sinh học Huế với giá 900 nghìn đồng/tấn. Ngày 19/4/2025, ông Quốc chuyển 85 triệu đồng cho thủ quỹ xã Cao Thị Thủy, sau đó đưa thêm 30 triệu đồng cho ông Thông và 35 triệu đồng cho ông Lê Nguyên Oai - Phó Chủ tịch UBND xã.
Trước đó, trong quá trình kiểm tra thực địa, Hạt Kiểm lâm khu vực phía Bắc TP Huế phát hiện hàng loạt cây keo lưỡi liềm tại thôn An Lộc đã bị đốn hạ sát gốc, đường kính từ 6–30cm, toàn bộ gỗ đã được vận chuyển khỏi hiện trường. Theo kiểm đếm, 1.461 cây đã bị chặt, để lại hiện trường trơ gốc và chỉ còn sót lại một số cây sâu bệnh, cành khô.
Được biết, khu rừng này được trồng gần 20 năm trước để ngăn cát bay, chống xói lở và đã che chở người dân trong những mùa bão biển. Tháng 4/2025, kiểm lâm và UBND xã từng kiểm tra lô 152, yêu cầu tăng cường bảo vệ rừng, khi đó chưa phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, đầu tháng 7/2025, kiểm lâm quay lại thì phát hiện diện tích rừng phòng hộ bị xâm hại nghiêm trọng.
Tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm bị đốn hạ, trong đó phần lớn thuộc rừng phòng hộ.
Làm việc với Kiểm lâm, ông Nguyễn Đình Thông thừa nhận xã Quảng Công cũ đã tự quyết định thanh lý rừng với giá 20 triệu đồng, với lý do nhiều cây gãy đổ sau bão. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm khẳng định việc khai thác rừng phòng hộ cần lập hồ sơ xin phép, đấu giá theo quy định. Điều đáng nói, diện tích rừng phòng hộ bị chặt hạ tại thôn An Lộc nằm trong vùng từng là điểm nóng sạt lở bờ biển.
Từ năm 2007–2008, nhiều hộ dân tại đây đã phải di dời sâu vào đất liền 300m để phòng chống xâm thực biển. Sau đó, đất ven biển được giao xã quản lý nhưng xã Quảng Công cũ lại tự ý giao đất, cho thuê làm nhà hàng, homestay kinh doanh dịch vụ mà không qua đấu giá hay đúng quy trình pháp lý.
Giữa năm 2024, huyện Quảng Điền cũ đã yêu cầu rà soát, đình chỉ những cơ sở kinh doanh dịch vụ trái phép tại khu vực ven biển. Tuy nhiên, thực tế đến nay, các nhà hàng, homestay này vẫn hoạt động bình thường, đón khách du lịch.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Kiểm lâm TP Huế cho biết, hiện cơ quan Kiểm lâm phối hợp chính quyền địa phương tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Xuân Nha
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/tp-hue-bao-cao-thu-tuong-vu-hon-2-5ha-rung-phong-ho-bi-don-ha-180971.html