Tuy nhiên, tại huyện A Lưới, cách đặt tên xã từ "A Lưới 1" đến "A Lưới 5" đang vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương.
Nhiều người dân A Lưới cho rằng việc đặt tên xã theo số thứ tự là thiếu chiều sâu, không phản ánh được đặc trưng lịch sử và văn hóa của vùng đất này. Già làng Pi Hôih Cu Lai, ở thôn Pa Rinh-Cân Sâm, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới phản ánh, nhiều người dân ở A Lưới cho rằng việc sử dụng các tên gọi theo số thứ tự hiện nay là cứng nhắc, thiếu đặc thù về địa lý và không thể hiện được chiều sâu lịch sử, văn hóa của vùng đất.
Làng Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới
Già làng Pi Hôih Cu Lai nêu quan điểm về việc đặt tên theo số là chưa hợp lý: “Sáp nhập là phải theo chủ trương của trung ương nhưng tên xã, đáng lẽ là phải trưng cầu ý kiến toàn dân, ví dụ như là xã Hồng Hạ, bây giờ nhập Hồng Hạ với Hương Nguyên như rứa là được rồi nhưng lịch sử Hồng Hạ và Hương Nguyên thì từ xa xưa, hơn 60 năm rồi, bà con muốn là tên xã Hạ Nguyên. Nếu không xã Hạ Nguyên thì xã Tà Lương mới có tên địa danh của địa phương”.
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Huế, việc đặt tên đơn vị hành chính mới phải đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa lý tự nhiên và phát triển kinh tế - hạ tầng. Tuy nhiên, tại huyện A Lưới, cách đặt tên các đơn vị hành chính mới theo kiểu số thứ tự như “A Lưới 1” đến “A Lưới 5” đang gây nhiều tranh cãi.
Khu vực trung tâm huyện A Lưới
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, trong cuộc họp lấy ý kiến sáng qua (23/4) của HĐND huyện, có 60% ý kiến đồng thuận với phương án đặt tên theo số thứ tự, trong khi 40% đề xuất nên sử dụng các địa danh truyền thống để bảo tồn bản sắc địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng số thứ tự không phản ánh được đặc trưng văn hóa-lịch sử của từng vùng đất.
“Vì trong phiếu lấy ý kiến nhân dân, ghi 2 ý, một là nội dung nhập từ 18 xã còn 5 xã, hai là tên gọi. Nhưng trong phiếu chỉ ghi đồng ý hay không đồng ý thôi. Khi tiếp thu xong về triển khai gấp quá, làm luôn, lấy ý kiến của dân cũng không kịp thời gian. Bây giờ nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau, 40% không đồng ý, họ đề xuất lấy tên sông, tên suối, tên nguyên bản trước đây. Nếu mà thành phố đồng ý cho A Lưới lấy ý kiến nhân dân lại phải làm lại từ đầu”, Ông Nguyễn Văn Hải nói.
Thung lũng A Lưới nhìn từ trên cao
Về nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính, Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng -Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch miền Trung cho rằng, có 3 nguyên tắc đặt tên. Một là phản ánh đời sống, địa dư nổi bật, yếu tố thổ sản. Thứ hai là những dấu ấn lịch sử và thứ ba là những câu chuyện văn hóa trải qua chiều dài lịch sử mà mỗi vùng đất, tên đất nó thể hiện rất rõ câu chuyện đó.
Nhiều người dân việc đặt tên xã theo số thứ tự không phản ánh được đặc trưng lịch sử và văn hóa của vùng đất A Lưới
Ông Trần Đình Hằng cho rằng, việc đặt tên xã, phường là cơ hội quý báu để khẳng định bản sắc địa phương, là cơ hội vàng để lưu lại những yếu tố lịch sử và văn hóa trong một danh xưng. Theo Tiến sĩ Trần Đình Hằng, trong trường hợp chưa đạt được sự đồng thuận, có thể chọn phương án trung lập như đặt tên theo hướng không gian hoặc dựa trên những địa danh tiêu biểu của A Lưới như A Sầu, A Lưới, A Roàng, A Đớt nhằm đảm bảo tính đại diện và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. “Chúng ta phải cố gắng chọn ra được những địa danh tiêu biểu nhất, đảm bảo một sự đồng thuận nhất bởi càng mang chiều sâu cội nguồn chừng nào thì bớt những tranh luận không cần thiết. A Lưới có được 5 đơn vị thì chúng ta chọn 3 hoặc 4 ý kiến, ví dụ như A Sầu, A Lưới, A Roàng và dưới này chúng ta những chữ Hồng thì chúng ta chọn một, hai chữ Hồng. Ví dụ, Hồng Thượng, Hồng Hạ thì nó vẫn đảm bảo được tính chất và nó đa dạng của địa danh. Nhưng khi nghe tới ta định vị về mặt không gian, về mặt địa dư lịch sử văn hóa, đó chính là một phần hồn của A Lưới.”
Việc lựa chọn tên gọi cho các đơn vị hành chính mới tại huyện A Lưới không chỉ là một thủ tục hành chính đơn thuần mà còn là dịp để tôn vinh và giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất miền núi giàu truyền thống này. Người dân kỳ vọng sẽ được lắng nghe nhiều hơn trong các quyết định quan trọng mang tính lâu dài này.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung