Lãnh đạo tỉnh, thành phố, phường Ba Đình và 120 cử tri dự hội nghị.
Theo kế hoạch, TP Thanh Hóa sẽ thực hiện sắp xếp 47 phường, xã (gồm 33 phường, 14 xã) thành 7 phường. Dự kiến tên gọi các phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) là: Hạc Thành 1, Hạc Thành 2, Hạc Thành 3, Hạc Thành 4, Đông Sơn 1, Đông Sơn 2 và Đông Sơn 3.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo đặt tên ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và đề nghị đặt tên ĐVHC cấp xã sau sắp xếp trên địa bàn TP Thanh Hóa là: phường Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Sơn, Đông Quang, Đông Tiến, Hàm Rồng và Nguyệt Viên.
Sáng 21/4, UBND phường Ba Đình đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân. Các cử tri và Nhân dân được quán triệt và triển khai các nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Việc lấy ý kiến được yêu cầu thực hiện thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của việc sắp xếp, cũng như quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Qua đó, vận động cử tri tham gia tích cực, đồng thuận và thống nhất cao với chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn thành phố.
TP Thanh Hóa thống nhất phương án thành lập phường Hạc Thành trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Trường Thi, Phú Sơn, Điện Biên, Lam Sơn, Ba Đình, Ngọc Trạo, Đông Sơn, Đông Hương, Đông Hải, và điều chỉnh địa giới hành chính các phường Đông Thọ (từ đường Lý Thiên Bảo – sông Hạc về phía Nam), Đông Vệ (từ đường Võ Nguyên Giáp về phía Bắc).
Cử tri và Nhân dân đã bỏ phiếu về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn TP Thanh Hóa, phương án thành lập phường Hạc Thành.
Theo Thành ủy TP Thanh Hóa, đây là phương án rất khoa học, chặt chẽ, logic, thỏa mãn các điều kiện về đặc điểm địa lý, dân cư, vùng miền, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa – lịch sử và phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri và Nhân dân hoàn toàn đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực – hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở. Đồng thời cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, mang tính chiến lược lâu dài, góp phần tiết kiệm nguồn lực và thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững ở cơ sở.
Cử tri và Nhân dân cũng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng, sát với thực tế, cần giải thích rõ mục tiêu và lợi ích lâu dài của việc sáp nhập để người dân hiểu rõ, đồng thuận cao. Đồng thời, cần triển khai nhiều giải pháp, phương án hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính sau sáp nhập.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kiểm tra dự kiến bản đồ địa giới hành chính TP Thanh Hóa sau sáp nhập.
Trong hai ngày 21 – 22/4, các phường, xã trên địa bàn TP Thanh Hóa đồng loạt tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Trước đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện chủ trương sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã từ 547 đơn vị (xã, phường, thị trấn) xuống còn 166 đơn vị, giảm 381 đơn vị.
Đối với việc đặt tên ĐVHC sau sắp xếp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị mới, hạn chế tối đa tác động đến người dân và doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.
Tên gọi của các ĐVHC mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, phát huy lợi thế so sánh của địa phương và phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.
Ngọc Hưng