TPBank không có kế hoạch chia cổ tức trong năm 2025

TPBank không có kế hoạch chia cổ tức trong năm 2025
19 giờ trướcBài gốc
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 24/4 tại Hà Nội.
Theo tài liệu, ngân hàng đặt với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với mức thực hiện năm 2024. Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 20% lên 313.750 tỷ đồng, chỉ tiêu này cần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Đồng thời, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2,5%.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngân hàng dự kiến triển khai các sản phẩm như cho vay bất động sản, cho vay ô tô, cho vay kinh doanh theo hướng đổi mới, tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ đồng thời phù hợp với tình hình thị trường...
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 7.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 đạt hơn 6.070 tỷ đồng, tương đương tăng 36% so với năm 2023.
Lợi nhuận để lại chưa phân phối sau nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 của ngân hàng là gần 4.852 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngân hàng chưa có kế hoạch chia cổ tức trong năm nay.
Một nội dung đáng chú ý khác, TPBank cũng dự kiến dành 5,38 tỷ cho ngân sách 2025, tăng 31,2% so với tổng ngân sách năm 2024 (4,2 tỷ). Trong đó chi thù lao là 4,25 tỷ, chi thuê tư vấn đào tạo là 500 triệu đồng và chi phí hoạt động khác 630 triệu.
Về kết quả kinh doanh gần đây, trong hai tháng đầu năm 2025, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đã đạt gần 1.430 tỷ đồng, dự kiến đạt 2.100 tỷ vào cuối quý 1, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt hơn 2.800 tỷ đồng và dự kiến đạt mốc 4.300 tỷ đồng vào cuối quý I. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 263.920 tỷ đồng và dự báo có thể sẽ đạt khoảng 269.000 tỷ đồng vào cuối quý I năm nay. Tỷ lệ CASA duy trì trên 20%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 13%.
Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS đánh giá, TPBank đang sở hữu lợi thế lớn nhờ vị thế dẫn đầu trong mảng ngân hàng số, giúp mở rộng tiếp cận khách hàng trẻ và tăng trưởng tín dụng.
Ảnh minh họa
Trong năm 2025, tăng trưởng tín dụng của TPBank được dự báo đạt 16% nhờ vào việc tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập khá, thế hệ millennials và các hộ kinh doanh với hai sản phẩm chủ chốt là cho vay mua ô tô và vay thế chấp nhà.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể duy trì ở mức 17% trong năm 2026, trong khi TPBank sẽ thúc đẩy mảng cho vay bán lẻ nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng và thu nhập cá nhân phục hồi.
NIM của ngân hàng được kỳ vọng cải thiện 3 điểm cơ bản trong năm nay đạt 3,54%, nhờ vào biên lãi ròng cao hơn do khả năng chuyển chi phí lãi vay sang khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng bán lẻ phục hồi mạnh mẽ.
Về chất lượng tài sản, tính đến cuối quý 4/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của TPBank cải thiện 80 điểm cơ bản theo quý và 53 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 1,52%. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2023.
Các chuyên gia kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2025 nhờ vào nền kinh tế ấm lên và sự phục hồi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ đã giảm liên tục trong 6 quý (-26 điểm cơ bản so với quý trước) giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu trong năm 2025, đồng thời, TPBank sẽ tiếp tục củng cố bảng cân đối kế toán thông qua xóa nợ và trích lập dự phòng trong năm 2025.
Với tất cả các động lực trên, chuyên gia MBS dự báo, TPBank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 9.116 tỷ đồng cho cả năm 2025, tăng trưởng 20% so với kết quả đạt được trong năm 2024.
Minh Vy
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/tpbank-khong-co-ke-hoach-chia-co-tuc-trong-nam-2025-243511.html